Trả lời:
Sau khi bị chó cắn, người bị cắn cần được sơ cứu vết thương đúng cách và nhanh chóng tiêm vaccine dại càng sớm càng tốt. Nếu con chó cắn đã được tiêm phòng dại rồi thì mọi người có thể yên tâm một phần, song vẫn cần tiêm vaccine ngừa dại cho người bị cắn.
Mọi người cần lưu ý, trong thời gian tiêm vaccine, người tiêm không nên lao động quá sức như: bưng vác nặng, tập gym cường độ mạnh, điền kinh, bóng rổ, tennis... và cần kiêng lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, một số loại thuốc... Các hoạt động này có thể làm giảm hiệu quả của vaccine và khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, người tiêm không cần kiêng cữ các loại thực phẩm và không cần kiêng quan hệ tình dục.
Nhiều người thắc mắc, vậy có cần tiêm phòng dại sau khi quan hệ, hôn sâu với người bị chó cắn không? Đầu tiên, bạn cần kiểm tra xem tình trạng sức khỏe của con chó lúc cắn và đến nay như thế nào, chó có triệu chứng của bệnh dại hay nghi ngờ mắc bệnh không.
Nếu con chó chết hay đang bị bệnh hay có biểu hiện bất thường như sùi bọt mép... thì bạn và chồng cần đi tiêm vaccine dại ngay lập tức. Nếu sức khỏe của con chó tại thời điểm cắn và đến hiện nay vẫn bình thường, không nghi ngờ bệnh dại hoặc đã được tiêm ngừa dại trước đó thì bạn cũng không cần quá lo lắng.
Mặt khác, trong một số trường hợp, quá trình quan hệ không sử dụng biện pháp an toàn và hoạt động mạnh bạo có thể gây ra các vết xước, rách da, tạo điều kiện cho virus dại lây qua vết thương hở đó. Tuy nhiên, đây là trường hợp rất hiếm. Để yên tâm nhất sau khi quan hệ, hôn sâu với người bị chó cắn, bạn nên đến trung tâm y tế dự phòng gần nhất để được tiêm chủng tư vấn, hỗ trợ thông tin tốt nhất.
Hiện VNVC đang cung ứng đầy đủ hai loại vaccine phòng dại thế hệ mới là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ), được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP.
ThS Nguyễn Diệu Thúy
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC