Trả lời:
Nếu chẳng may bị động vật cào/cắn hoặc liếm lên vết thương hở, bạn cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của virus dại, tốt nhất là ngay trong ngày đầu tiên. Đặc biệt, nếu vết thương nặng hoặc ở các vị trí như đầu, mặt, cổ, đầu các chi, bộ phận sinh dục... thì càng phải tiêm sớm nhất có thể.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus dại nhanh chóng nhân số lượng lên nhiều lần và bắt đầu di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng lên não với tốc độ từ 12-24mm mỗi ngày. Một số người chờ đến khi chó, mèo chết mới chịu đi tiêm, như vậy rất nguy hiểm.
Ngoài việc tiêm phòng sau khi bị chó, mèo cắn thì chúng ta cũng có thể tiêm dự phòng trước phơi nhiễm, nghĩa là chủ động tiêm khi chưa bị động vật cắn. Đây là cách để hạn chế rủi ro, bảo vệ an toàn tính mạng cho những người thường xuyên tiếp xúc với động vật, có nguy cơ tiếp xúc với virus dại mà không hay biết.
Về số lượng và thời gian các mũi tiêm sẽ phụ thuộc vào từng phác đồ như sau:
Phác đồ tiêm bắp:
Người chưa tiêm dự phòng: tiêm 5 mũi (0,5 ml/liều) vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28. Trong trường hợp phơi nhiễm độ III cần phối hợp tiêm Immunoglobulin dại kết hợp. Người đã tiêm dự phòng trước hoặc sau phơi nhiễm ít nhất 3 mũi vaccine dại nuôi cấy trên tế bào: tiêm 2 liều vào ngày 0 và 3.
Phác đồ tiêm trong da:
Người chưa tiêm dự phòng: tuân thủ phác đồ "2-2-2-2": Hai mũi tiêm trong da vào 2 vị trí khác nhau vào các ngày 0, 3, 7, 28. Người đã tiêm dự phòng: tiêm 0,1ml vào các ngày 0 và 3.
Về độ an toàn của vaccine phòng dại, nhiều người cảm thấy e ngại vì thế hệ vaccine cũ trước đây có thể gây nên các tác dụng phụ lên não, hệ thần kinh. Tuy nhiên, hiện nay, vaccine phòng dại được sản xuất theo công nghệ mới, nuôi cấy trên tế bào Vero nên rất an toàn đối với sức khỏe. Bạn có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề này.
Hiện nay, tại Việt Nam đang có 2 loại vaccine phòng dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Đây đều là những loại vaccine đã được kiểm định an toàn, khẳng định khả năng đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều.
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC