Hôm 11/8, Nga thông báo đã phê duyệt vaccine Covid-19 sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người. Điều này khiến các chuyên gia y tế toàn cầu tỏ ra lo ngại. Nhiều người cảnh báo các dữ liệu của nghiên cứu chưa đầy đủ, khó lòng tin tưởng vào vaccine.
Tham vọng trở thành người dẫn đầu trong cuộc chạy đua toàn cầu phát triển biện pháp ngăn ngừa đại dịch, nhưng Nga chưa tiến hành các thử nghiệm quy mô lớn, cũng không đưa ra bằng chứng về độ hiệu quả của sản phẩm. Đây là động thái mà các nhà khoa học cho là "liều lĩnh".
Ayfer Ali, chuyên gia nghiên cứu thuốc, Trường Kinh doanh Warwick của Anh, nhận định: "Về cơ bản, Nga đang tiến hành một cuộc thử nghiệm quy mô lớn trên toàn bộ dân số".
Bà cho biết quá trình phê duyệt diễn ra quá nhanh có thể khiến các nhà khoa học bỏ qua một số tác dụng phụ tiềm ẩn. Nhiều phản ứng hiếm xảy ra nhưng lại vô cùng nghiêm trọng.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin thông báo vaccine, do Viện Gamaleya ở Moskva phát triển, đảm bảo độ an toàn. Con gái ông cũng đã sử dụng mũi tiêm đầu tiên. "Tôi biết rằng vaccine hoạt động khá hiệu quả, có khả năng hình thành miễn dịch mạnh mẽ. Tôi cũng muốn nhắc lại rằng nó đã vượt qua tất cả các khâu thử nghiệm cần thiết", ông Putin khẳng định.
Tuy nhiên, Francois Balloux, chuyên gia tại Viện Di truyền, Đại học Cao đẳng London, Anh, cho rằng đây là "một quyết định liều lĩnh".
"Việc tiêm chủng hàng loạt một loại vaccine chưa được thử nghiệm đầy đủ là phi đạo đức. Bất kỳ vấn đề nào xảy ra đối với chiến dịch này đều sẽ trở thành thảm họa. Nó không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, mà còn khiến người dân mất niềm tin vào vaccine", ông Balloux nói.
Giáo sư Danny Altmann, khoa Miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London, cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nhận định hệ lụy để lại từ các loại vaccine chưa đủ an toàn và hiệu quả sẽ "khiến các vấn đề hiện tại trầm trọng hơn".
Dù Nga tuyên bố trở thành quốc gia dẫn đầu cuộc đua, hơn 10 nhà sản xuất khác trên khắp thế giới vẫn đang trong quá trình thực hiện thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn với hàng chục nghìn tình nguyện viên tham gia. Các đơn vị tiên phong bao gồm Moderna, Pfizer và AstraZeneca. Tất cả đều hy vọng sẽ thu được kết quả của nghiên cứu giai đoạn ba vào cuối năm nay. Họ cho biết sẽ gửi các dữ liệu an toàn đến cơ quan quản lý châu Âu, châu Mỹ và các khu vực khác, trước khi vaccine được cấp phép.
Trung Quốc cũng là một trong những nước tiên phong trong cuộc đua vaccine, "ứng viên" tiêu biểu đến từ hai hãng dược CanSino và SinoVac.
Động thái của các hãng trên khác với phía Nga. Bộ Y tế nước này đã phê duyệt sản phẩm trước khi thử nghiệm giai đoạn ba trên hàng nghìn tình nguyện viên. Thông thường, đây là khâu cực kỳ quan trọng để có được "cái gật đầu" của giới chức.
Peter Kremsner, chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Đức, thành phố Tuebingen, giải thích: "Thông thường, vaccine cần được thử nghiệm với rất nhiều người trước khi được chấp thuận. Tôi nghĩ nước đi của Nga thật liều lĩnh, nếu chưa có quá đông tình nguyện viên tiêm thử".
Đến nay, các nhà khoa học Nga chưa công bố bất cứ dữ liệu quan trọng nào, bao gồm cách sản xuất, độ an toàn, phản ứng miễn dịch và khả năng ngăn ngừa nCoV.
Thục Linh (Theo Reuters)