Dự án điện hạt nhân đã được Quốc hội quyết định dừng vào tháng 11/2016, và hiện chưa có chủ trương phát triển trở lại loại năng lượng này. Tuy nhiên, tại diễn đàn Năng lượng sạch lần 2, ngày 7/4, ông Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, đây là loại nguồn điện có công suất, hệ số phụ tải lớn, có thể đạt tới 90% và phát thải khí nhà kính rất thấp.
"Nếu phát triển điện hạt nhân sau năm 2030, mới có thể hiện thực hoá mục tiêu "net zero" vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng tại COP26", ông nói.
Không nêu thời gian cụ thể, song ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử nói, việc quay lại phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam "phải bắt đầu sớm". Thời gian để một dự án điện hạt nhân từ khi bắt đầu chủ trương xây dựng cho tới lúc phát điện mất khoảng 15-20 năm, không thể ngắn hơn.
Ông Thành lưu ý, không nên bỏ quy hoạch địa điểm phát triển điện hạt nhân đã có trước đây ở Ninh Thuận, do "chúng ta đã bỏ ra khá nhiều vốn đầu tư vào đây, và không phải vị trí nào cũng thuận lợi, được chọn để phát triển điện hạt nhân".
Ngoài ra, công nghệ phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, theo ông, nên là công nghệ lò nước nhẹ tiên tiến, loại công nghệ các nước đã phát triển thuần thục, hơn là công nghệ lò hạt nhân công suất nhỏ không phải thay thế nhiên liệu tại chỗ.
"Nếu Việt Nam quay lại phát triển điện hạt nhân thì phải xem xét lại cơ cấu nguồn, xây dựng hệ thống nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, nguồn nhân lực... Việt Nam cũng cần tham vấn ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước kỹ lưỡng về vấn đề này", Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử chia sẻ.
Kiến nghị khởi động lại điện hạt nhân từng được giới chuyên gia, nhà khoa học nêu tại nhiều diễn đàn về năng lượng trước đây. Trong báo cáo gửi Chính phủ, các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) từng kiến nghị cần cân nhắc thận trọng và sớm tái khởi động dự án này.
Điện hạt nhân là một nguồn cung cấp điện năng ổn định, có tính cạnh tranh kinh tế, ít phát thải cacbon, thân thiện với môi trường. Công nghệ điện hạt nhân ngày càng được hoàn thiện với việc đề cao an toàn. Điện hạt nhân vẫn tiếp tục duy trì, phát triển ở các cường quốc công nghiệp và tiếp tục lan tỏa rộng rãi sang các nước đang phát triển - nơi có nhu cầu điện tăng nhanh.
Hiện Việt Nam chưa có chủ trương phát triển điện hạt nhân, nhưng sau cam kết của Thủ tướng tại COP26 về giảm phát thải ròng về 0, loại năng lượng này đang được giới chuyên gia về năng lượng nhắc tới nhiều.
Ông Hoàng Trọng Hiếu, thành viên Ban chỉ đạo phát triển điện lực quốc gia cho biết, vấn đề phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam là "trăn trở của nhiều nhà khoa học, quản lý". Gần đây, Chính phủ đã quan tâm trở lại phát triển loại năng lượng này, nhưng sẽ chưa đưa vào tính toán, cân đối trong Quy hoạch điện VIII.
Ông cho hay, tại thông báo của Văn phòng Chính phủ, nêu kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về quy hoạch điện VIII, lãnh đạo Chính phủ đồng ý "tiếp tục nghiên cứu chủ trương phát triển điện hạt nhân thành chuyên đề riêng, để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến". Việc này nhằm đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn và gắn với quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.