Tại diễn đàn năng lượng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/8, ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ cho rằng hiện các nguồn năng lượng truyền thống đã cạn kiệt, cần nghĩ tới một loại hình năng lượng khác thay thế, đó là điện hạt nhân. Dự án điện hạt nhân đã được Quốc hội quyết định dừng vào tháng 11/2016.
Ông phân tích, Việt Nam đang phải nhập khẩu than, tới đây là khí hoá lỏng phục vụ cho sản xuất điện của các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí. Thuỷ điện đã hết nguồn công suất, còn năng lượng tái tạo giàu tiềm năng nhưng hiệu quả thấp, không ổn định.
"Vì một số lý do, trước mắt chúng ta phải dừng điện hạt nhân, nhưng về lâu dài tôi lo một ngày nào đó phải quay trở lại", ông Nguyễn Quân chia sẻ.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, Nhật Bản sau thảm họa động đất sóng thần đã hủy bỏ chương trình điện hạt nhân, đóng cửa hơn 50 nhà máy. Nhưng một ngày nào đó họ sẽ phải phát triển trở lại với công nghệ an toàn hơn, mức độ tự động hóa và hiệu quả cao hơn. "Ở Việt Nam, chúng ta vẫn phải chuẩn bị phương án phát triển điện hạt nhân", ông Quân nói.
Chia sẻ quan điểm này, ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, đã tới lúc Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực nghiên cứu và đề xuất khởi động lại dự án điện hạt nhân, bởi "không có điện mới chết".
Đáp lại, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, điện hạt nhân là vấn đề lớn của đất nước. Ban kinh tế Trung ương đang chỉ đạo có nghiên cứu để có tham mưu với Đảng, Chính phủ có chính sách phù hợp với sự phát triển năng lượng nói chung, trong đó có điện hạt nhân, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu năng lượng đất nước và giải quyết nhiều vấn đề khác mà xã hội quan tâm.
Cách đây 5 tháng, trong một văn bản gửi Thủ tướng, các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cũng kiến nghị cần cân nhắc thận trọng và sớm tái khởi động dự án này.
Các chuyên gia của tạp chí này cho rằng điện hạt nhân là một nguồn cung cấp điện năng ổn định, có tính cạnh tranh kinh tế, ít phát thải cacbon, thân thiện với môi trường. Công nghệ điện hạt nhân ngày càng được hoàn thiện với việc đề cao an toàn. Điện hạt nhân vẫn tiếp tục duy trì, phát triển ở các cường quốc công nghiệp và tiếp tục lan tỏa rộng rãi sang các nước đang phát triển - nơi có nhu cầu điện tăng nhanh.
Dù vậy, ông Quân cũng cho rằng hiện nay chưa có cơ sở nào để Việt Nam "làm điện hạt nhân an toàn và bền vững". Do đó, ông mong muốn Bộ Công Thương cùng các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Khoa học & Công nghệ, Tài chính nhanh chóng triển khai xây dựng trung tâm kỹ thuật hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu do Nga giúp đỡ, thay thế cho là phản ứng nghiên cứu ở Đà Lạt. Theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân, đây không chỉ là nơi nghiên cứu mà còn là nơi đào tạo nguồn cán bộ cho ngành hạt nhân của Việt Nam.
"Hiện nay đứng ở góc độ khoa học công nghệ, Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về công nghệ hạt nhân. Lò phản ứng hạt nhân của Việt Nam rất có hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích. Cho nên cần sớm đưa vào trung tâm khoa học kỹ thuật hạt nhân mới để phục vụ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây sẽ là nguồn nhân lực cần thiết nếu một ngày nào đó Việt Nam làm điện hạt nhân", nguyên Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ nói thêm.
Ông Nguyễn Quân cũng lưu ý, phát triển điện hạt nhân không nên để nước ngoài làm theo phương thức "chìa khoá trao tay" vì loại hình năng lượng này liên quan tới an ninh năng lượng, an ninh quốc gia. "Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, người ta có thể điều khiển một nhà máy điện hạt nhân từ cách xa hàng trăm ngàn cây số, thậm chí từ không gian", ông Quân cảnh báo và nhấn mạnh có thể mời nhà đầu tư nước ngoài vào làm cho Việt Nam, song đội ngũ vận hành phải là người Việt Nam.
Anh Minh