Dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy số ca nhiễm Covid-19 đã tăng ít nhất 10% trong tuần qua tại 24 bang của Mỹ, trong bối cảnh giới chuyên gia y tế và chính quyền liên bang tiếp tục nỗ lực thuyết phục người dân đi tiêm chủng.
Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta càng khiến áp lực gia tăng bội phần. Biến chủng này chiếm tới 51,7% số ca nhiễm mới tại Mỹ trong hai tuần qua, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính.
"Chúng ta nên nhìn nhận biến chủng Delta giống như phiên bản của virus năm 2020 nhưng được tiêm chất kích thích", Andy Slavitt, cựu cố vấn cho Nhóm Ứng phó Covid-19 của Tổng thống Joe Biden, hôm 8/7 nhận xét. "Nó có khả năng lây lan mạnh gấp đôi. May mắn thay, không giống năm ngoái, chúng ta hiện có một công cụ thực sự giúp ngăn chặn nó. Đó chính là vaccine".
Với những người đã tiêm vaccine đầy đủ, biến chủng Delta "mang đến rất ít mối đe dọa, hầu như bạn không thể nhiễm bệnh", ông nói.
Nhưng tính đến 7/7, mới chỉ khoảng 47,7% dân số Mỹ đã tiêm vaccine đủ phác đồ. Tỷ lệ người đủ điều kiện được tiêm chủng, tức trên 12 tuổi, là 55,8%.
Số ca nhiễm và nhập viện đang tăng, đặc biệt là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc CDC, cho biết tại một cuộc họp tại Nhà Trắng.
Các hạt có tỷ lệ tiêm chủng thấp thường đối mặt với tỷ lệ lây nhiễm rất cao. Tuần trước, 173 hạt có ít nhất 100 ca trên 100.000 dân, và trong 90% số hạt này, tỷ lệ tiêm chủng đều chưa đầy 40%.
"Rất nhiều hạt trong danh sách kể trên cũng chính là nơi biến chủng Delta đang lây lan mạnh", Walensky nói thêm. "Tỷ lệ tiêm chủng thấp ở những hạt này cùng với tỷ lệ lây nhiễm cao và việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch khiến người chưa tiêm chủng không được bảo vệ, điều chắc chắn sẽ dẫn đến những khó khăn không đáng có, như số ca nhập viện và tử vong tăng".
Tỷ lệ lây nhiễm cũng đang tăng trên toàn bộ nước Mỹ. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, cả nước ghi nhận hơn 15.060 ca mới mỗi ngày, tính từ ngày 30/6 đến 7/7, cao hơn 20,7% so với mức trung bình của tuần trước đó.
Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của mùa xuân năm nay với trung bình 71.320 ca nhiễm mỗi ngày, hay mức đỉnh dịch tại Mỹ với 251.000 ca.
Tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 gần đây cũng tăng lên. Số bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện Mỹ ngày 6/7 là gần 18.000, theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Con số này cao hơn một chút so với mức 16.792 ca của hai tuần trước đó, dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh dịch vào ngày 5/1 là 136.000 ca.
Tại California, nơi dữ liệu cho thấy biến chủng Delta chiếm 43% mẫu xét nghiệm, tỷ lệ dương tính với Covid-19 đã tăng gấp ba lần trong những tuần sau khi bang mở cửa hoàn toàn trở lại.
Tỷ lệ dương tính đã lần đầu tiên vượt 2% kể từ tháng ba, sau khi giảm xuống mức 0,7%, thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, vào đầu tháng 6.
Đến nay, việc gia tăng số ca nhiễm chưa khiến số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 tăng vọt, nhưng nhà chức trách cảnh báo số ca diễn tiến nặng có thể tăng trong vài tuần tuần.
California hiện có khoảng 60% dân số được tiêm vaccine Covid-19 đủ số mũi.
Một phân tích dữ liệu mới cho thấy những nhóm người chưa tiêm chủng, chủ yếu ở miền nam nước Mỹ, là các cộng đồng dễ bị tổn thương trước làn sóng tăng ca nhiễm và thậm chí có thể trở thành "lồng ấp" các biến chủng mới nguy hiểm hơn.
Phân tích của các nhà nghiên cứu tại Đại học Georgetown đã xác định được 30 cụm lây nhiễm tại những hạt có tỷ lệ tiêm chủng thấp và quy mô dân số đáng kể. 5 cụm nguy hiểm nhất trong số đó nằm rải rác trên các dải đất rộng ở phía đông nam đất nước và một phần nhỏ hơn ở Trung Tây.
Chúng chủ yếu thuộc 8 bang, bắt đầu từ phía đông Georgia và trải dài về phía tây đến Texas và từ bắc đến Nam Missouri. Những cụm lây nhiễm xuất hiện ở Alabama, Arkansas, Louisiana, Oklahoma và Tennessee, chủ yếu là những hạt nhỏ, nhưng cũng có một số thành phố lớn như Montgomery, Shreveport hay Amarillo. Hầu hết các bang này đều đang chứng kiến số ca lây nhiễm Covid-19 tăng bất thường.
"Một số phần của đất nước đang rất dễ bị tổn thương, nếu không muốn nói là nguy hiểm hơn so với thời điểm tháng 12/2020", Shweta Bansal, phó giáo sư sinh học tại Đại học Georgetown, nhận xét. Ông là người đứng đầu dự án Theo dõi Tiêm chủng Covid-19, chuyên thu thập dữ liệu về chương trình triển khai vaccine của Mỹ từ khi nó khởi động hồi cuối năm ngoái.
Theo giới chuyên gia y tế, biến chủng Delta không phải mối lo duy nhất đối với họ. "Hiện tại, những người nhiễm mới chủ yếu đều chưa tiêm vaccine", Megan Ranney, bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện Rhode Island kiêm phó giáo sư tại Đại học Brown, lưu ý. "Tôi không muốn nói điều này nhưng tôi hy vọng làn sóng tăng số ca nhiễm sẽ khiến thêm nhiều người ở những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp chịu đi tiêm".
"Điều khiến tôi lo lắng hơn là những biến chủng mới có thể sẽ xuất hiện. Mỗi khi virus truyền từ người này sang người khác, nó đều có cơ hội đột biến. Và việc xuất hiện một biến chủng mà vaccine của chúng ta không còn khả năng chống lại chỉ là vấn đề thời gian", bà nhấn mạnh.
Một số chuyên gia thậm chí bắt đầu đề nghị xét nghiệm Covid-19 với cả những người đã tiêm vaccine để đảm bảo biến chủng Delta chưa thể xuyên thủng lớp bảo vệ và khiến họ vẫn nhiễm virus.
Theo các hướng dẫn hiện tại của chính phủ Mỹ, những người đã tiêm chủng đầy đủ có thể không phải làm xét nghiệm định kỳ, cũng như không phải đeo khẩu trang trong hầu hết trường hợp. Các nghiên cứu cũng như giới chuyên gia đều nói rằng vaccine vẫn có khả năng bảo vệ cao.
"Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét lại chính sách đối với biến chủng Delta và cân nhắc liệu các khuyến nghị hiện tại có phù hợp hay không", tiến sĩ Peter Hotez, hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor, cho hay.
CDC hiện chỉ báo cáo dữ liệu về các ca nhiễm virus sau khi tiêm vaccine có triệu chứng nghiêm trọng. Điều này đồng nghĩa các nhà khoa học và giới chức y tế sẽ không nắm rõ số lượng những người nhiễm có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng dù đã tiêm vaccine. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc xác định liệu một biến chủng mới như Delta có thực sự vô hiệu hóa được vaccine hay không.
Vũ Hoàng (Theo CNN)