Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết việc chủ động kế hoạch chăm sóc sức khỏe trước khi kết hôn và mang thai rất quan trọng. Việc này giúp gia đình khỏe mạnh, em bé chào đời giảm nguy cơ bệnh tật, từ đó nâng cao chất lượng dân số. Có 5 việc cần làm để chuẩn bị sức khỏe trước khi kết hôn, gồm:
Tiêm chủng cho vợ và chồng
Cặp đôi tiêm chủng trước khi kết hôn giúp phòng tránh các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan từ người sang người, ví dụ cúm, sởi, viêm gan, bệnh do HPV, phế cầu... Vaccine cũng giúp bảo vệ phụ nữ mang thai và em bé tương lai, tránh các nguy cơ như thai lưu, dị tật thai, trẻ chào đời có khuyết tật hoặc mắc bệnh bẩm sinh...
Lịch tiêm chủng có thể kéo dài khoảng 6 tháng do một số loại vaccine cần chủng ngừa nhiều mũi. Một số vaccine cần đợi một đến ba tháng sau khi hoàn thành phác đồ mới có thể mang bầu.
Khám sức khỏe
Khám sức khỏe giúp các cặp đôi biết trước về khả năng sinh sản, bệnh tiềm ẩn của chồng và vợ, bác sĩ tư vấn giải pháp góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Gói khám thường bao gồm:
Khám sức khỏe tình dục: kiểm tra rối loạn xuất tinh, dị dạng cơ quan sinh dục.
Khám sức khỏe sinh sản: gồm khả năng sinh sản, chất lượng tinh trùng hoặc trứng của ông bố bà mẹ tương lai.
Xét nghiệm di truyền học: giúp các cặp đôi phát hiện sớm con có khả năng mắc bệnh lý di truyền hay không.
Khám sức khỏe tâm thần: đây cũng là bước quan trọng để xác định một trong hai người có bị rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần hay không, từ đó có biện pháp theo dõi điều trị, hạn chế bạo lực gia đình hoặc hành vi gây ảnh hưởng người thân và xã hội.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ khám sức khỏe tâm thần, các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, C, giang mai, HIV...
Tạo lối sống khoa học
Phụ nữ cần kiêng rượu, bia, tránh xa thuốc lá và các chất kích thích, đồng thời chuẩn bị sức khỏe tốt khi bước vào hôn nhân. Lý do là phụ nữ mang thai sau khi kết hôn trong khi sức khỏe chưa ổn định, khiến thai kỳ không diễn ra thuận lợi.
Ở nam giới, cơ thể khỏe mạnh và chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ, là tiền đề cho sức khỏe tình dục sung mãn, hạn chế nguy cơ rối loạn cương dương, và sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Nghiên cứu cho thấy những nam thanh niên hút thuốc lá, thừa cân béo phì, thiếu hoạt động thể lực, tăng cholesterol máu, không ăn rau và trái cây, lạm dụng rượu bia... có nguy cơ rối loạn cương dương hơn những người khác.
Việc cha mẹ có lối sống khoa học cũng giúp giáo dục em bé tương lai tốt hơn về giáo dục, chăm sóc sức khỏe bản thân, người xung quanh.
Tham gia các lớp học thai sản
Theo bác sĩ Chính, những cặp chưa có kinh nghiệm sinh con hoặc lần đầu mang thai nên tham gia lớp học tiền sản. Các chuyên gia sẽ hướng dẫn nhận biết dấu hiệu có thai, cách hít thở, giảm đau khi chuyển dạ, cách nhanh phục hồi sau sinh và những lưu ý chăm sóc bé trong những ngày đầu tiên, chế độ dinh dưỡng khỏe mẹ, con thông minh... Người chồng cũng nên học để hiểu và chia sẻ với vợ hơn.
Duy trì mức cân nặng chuẩn
Cân nặng cũng liên quan tới khả năng thụ thai. Nghiên cứu cho thấy người béo phì có nguy cơ khó mang thai do buồng trứng đa nang, kinh nguyệt không đều; người quá gầy có thể sinh non hoặc em bé nhẹ cân... Mức chuẩn khuyến cáo tính theo chỉ số BMI, thông thường từ 18,5 đến 24,9.
Do đó, các cặp đôi nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp, đảm bảo đủ chất đạm, tinh bột, béo, thực phẩm giàu canxi, vitamin và khoáng chất; hạn chế thực phẩm làm tăng cân mà không cung cấp chất dinh dưỡng như đường và chất béo. Bên cạnh đó, vợ và chồng cần tập luyện thể dục, thể thao để tăng sức khỏe và cải thiện khả năng sinh sản.
Mộc Thảo