Trước xu hướng cắt giảm lao động sau Covid-19 do thiếu nguyên liệu, đơn hàng, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM trả lời VnExpress về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi người lao động.
- Dịch Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp và người lao động ở thành phố, thưa ông?
- Sáu tháng đầu năm nay có hơn 327.000 lao động ở thành phố bị thôi việc. Qua khảo sát của Cục Thống kê tại 16.300 doanh nghiệp cho thấy gần 14.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19. Do thiếu nguyên liêu, đơn hàng, khoảng 8.400 doanh nghiệp có khả năng dừng hoạt động phải cắt giảm lượng lớn lao động.
Trước tình hình đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra hai kịch bản, tham mưu cho UBND thành phố phương án ngăn chặn tình trạng lao động mất việc, hỗ trợ người lao động trong 6 tháng cuối năm.
Ở kịch bản tích cực là Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, là cơ sở để gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, hạn chế lao động ngừng việc, mất việc. Tuy nhiên, ngành dịch vụ, du lịch, ngành công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng do xuất nhập khẩu gián đoạn. Dự báo khoảng 4.400 doanh nghiệp tại TP HCM bị ảnh hưởng với 100.000-120.000 lao động bị ngừng việc, thôi việc.
Nếu dịch bệnh diễn biến xấu, 4.800 - 5.000 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ, công nghiệp – xây dựng (dệt may, giày da, chế biến gỗ, thực phẩm...) bị ảnh hưởng, kéo theo 160.000 -180.000 lao động mất việc.
Để đảm bảo quyền lợi người lao động, chúng tôi thành lập các tổ công tác, trực tiếp làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo chính sách với người lao động đúng pháp luật. Cụ thể, doanh nghiệp cho công nhân thôi việc phải thông báo trước 45 ngày, đảm bảo lương tối thiểu theo quy định.
- Số lao động bị mất việc trong 6 tháng tới được dự báo lên tới hàng trăm nghìn người, ông đánh giá thế nào về con số này?
- Đây chỉ là con số dự báo của chúng tôi trong tương lai. Tuy nhiên, trong bốn năm gần đây chưa lúc nào công nhân bị thôi việc nhiều như bây giờ. Điều đó cho thấy, ảnh hưởng Covid-19 rất nặng nề. Tại quận Gò Vấp, Công ty TNHH Huê Phong chuyên sản xuất giày da xuất khẩu đã cắt giảm 2.222 lao động trong số 4.500 công nhân.
Ngoài giày da, các ngành nghề khác trong nhóm ngành công nghiệp như dệt may, thời trang, chế biến gỗ, lương thực thực phẩm, xây dựng; nhóm ngành dịch vụ như lưu trú, vận tải, ăn uống, giao thông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, buộc phải cắt giảm lao động.
Trong 5 tháng đầu năm, thành phố có 310.000 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả doanh nghiệp có cắt giảm lao động. Số lao động này phải đến các trung tâm dịch vụ việc làm đăng ký thất nghiệp, hưởng trợ cấp trong 3 tháng. Tuy nhiên, trong số này có đến 80.000 người không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp vì đóng bảo hiểm dưới 12 tháng.
- Trước việc doanh nghiệp gặp khó khăn, sa thải nhiều lao động, TP HCM có những giải pháp gì để hỗ trợ?
- Ngoài việc đưa ra hai kịch bản nhằm ứng phó với việc cắt giảm lao động trước dịch bệnh, chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ thêm, có lợi cho lao động bị thôi việc, đảm bảo công việc cho lao động yếu thế như người lớn tuổi, mang thai, có con nhỏ gặp khó khăn...
Trong gần 2.800 công nhân PouYuen ở quận Bình Tân bị ngừng việc từ tháng 7, có 745 người có nguyện vọng ở lại thành phố. Chúng tôi sẽ tìm kiếm doanh nghiệp cùng ngành để giới thiệu số công nhân này chuyển sang. Chúng tôi đã liên hệ với tám doanh nghiệp tại Gò Vấp để nhận 2.222 công nhân Công ty Huê Phong bị cắt giảm.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã nắm được thông tin một công ty của Đài Loan ở Củ Chi chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất sắp tới sẽ cắt giảm khoảng 800 lao động. Các tổ công tác đang tìm kiếm những doanh nghiệp sản xuất gỗ có nhu cầu tuyển dụng để đưa số lao động này vào làm việc.
Với những người có nhu cầu đào tạo nghề, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ đưa họ vào hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp nghề để có thể chuyển đổi nghề nghiệp trong tương lai. Người lao động được tạo điều kiện vay vốn làm ăn từ các nguồn quỹ quốc gia về việc làm, tổ chức tài chính CEP dành cho công nhân...
Trong số 8.400 doanh nghiệp gặp khó khăn, mới đây Thành ủy và UBND thành phố chỉ đạo 90% trong số này phải nhận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ và Nghị quyết 02 của HĐND thành phố vào tháng 9 tới. Doanh nghiệp lấy nguồn kinh phí từ hai chương trình này trả lương công nhân, giúp họ đứng vững, không cắt giảm lao động.
Doanh nghiệp còn được Chính phủ đồng ý dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất, quỹ công đoàn (2%) đến hết tháng 12 để giữ chân lao động vì khi công nhân đã nghỉ việc khả năng quay lại rất khó.
- Ông đánh giá thế nào về chính sách hỗ trợ cho gần 2.800 lao động bị cắt giảm vừa qua của Công ty TNHH PouYuen?
- Công ty PouYuen ở thành phố có quy mô lên tới 62.000 lao động. Người lao động bị thôi việc được công ty hỗ trợ tiền cao nhất lên tới 180 triệu đồng, thấp nhất 3 triệu đồng, bình quân mỗi người nhận 50 đến 60 triệu đồng. Với số tiền này nhiều người có thể về quê lập nghiệp, ổn định cuộc sống.
Việc hỗ trợ như vừa rồi là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp nhằm bảo đảm người lao động có cuộc sống ổn định sau khi thôi việc cũng như an ninh trật tự địa phương.
Tôi mong doanh nghiệp nếu có cắt giảm lao động cũng làm như PouYuen. Vì có những người gắn bó lâu năm, đóng góp rất nhiều cho công ty. Trong lúc khó khăn, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm ngoài việc tuân thủ quy định nhà nước cần có chính sách riêng hỗ trợ người lao động.
Thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ, đến hết tháng 6, TP HCM chi hỗ trợ cho hơn 510.000 người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong tổng số 542.000 người (chiếm 95%) thuộc 7 nhóm với khoảng 560 tỷ đồng.
Trong đó, 264.000 người có công, người được bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 240 tỷ đồng, mỗi người hưởng 4,5 triệu đồng.
Lao động tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương đã giải quyết cho 37.000 người trong số 42.500 người của 2.886 doanh nghiệp, đạt gần 90%.
Lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đã giải quyết cho 1.200 người trong tổng số 2.100 người, chiếm 57%.
Lao động tự do bị mất việc đã giải quyết 153.000 người trong 184.666 người, đạt 85%.
Giáo viên mầm non, nhóm trẻ ngoài công lập đã giải quyết gần 10.000 người trong tổng số 11.500 người, chiếm khoảng 90%.
Hộ kinh doanh cá thể doanh thu dưới 100 triệu mỗi năm, đã giải quyết khoảng 1.800 hộ, trong tổng số 2.400 hộ, chiếm 75%, mức hỗ trợ một triệu đồng mỗi người.
Hơn 22.000 người bán vé số dạo được hỗ trợ một triệu đồng mỗi người, đã giải quyết 100%.
Hà An