Công ty TNHH PouYuen Việt Nam là một doanh nghiệp có quy mô rất lớn với hơn 60.000 lao động, đóng trên địa bàn quận Bình Tân. Do ảnh hưởng của Covid-19, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn công ty này cho biết, từ tháng 3 đến nay, doanh nghiệp luôn bị giảm đơn hàng. Đặc biệt, trong tháng 6, lượng đơn hàng giảm đến 50% và tỷ lệ này tăng dần lên trong tháng 7,8,9. Riêng quý IV, công ty vẫn chưa có đơn đặt hàng nào từ đối tác.
Theo ông Nghiệp, công ty đang cố gắng để chăm lo đời sống công nhân tốt nhất, nhưng hiện chỉ có đơn đặt hàng cũ trong khi rất ít đơn mới nên đã ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng nhân công.
"Dự kiến sẽ có 6.000 lao động của công ty bị cắt giảm. Chúng tôi đang chốt danh sách giảm và sẽ công bố vào 20/6 tới", ông Nghiệp nói. Đồng thời, ông cho rằng, 6.000 lao động bị cắt giảm sẽ là những công nhân ở các bộ phận không có đơn đặt hàng. Việc cắt giảm sẽ theo lộ trình trong 3 tháng từ 20/6 đến tháng 8 năm nay.
Mới đây, Công ty TNHH giày da Huê Phong (Gò Vấp, TP HCM) cũng đã gửi văn bản lên Sở lao động thương binh và xã hội TP HCM về việc thu hẹp hoạt động do ảnh hưởng của Covid-19.
Huê Phong cho biết dù đã tìm nhiều biện pháp khắc phục nhưng không thể khôi phục như kế hoạch đề ra nên họ phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Do đó, ngày 16/6 tới, công ty buộc phải cắt giảm 2.222 công nhân và chuyển cơ sở sản xuất về Trà Vinh.
Không chỉ ngành dệt may, da giày, nhiều doanh nghiệp trong nhóm sản xuất, dịch vụ khác cũng đang rục rịch giảm lương, cắt nhân sự.
Điển hình như một công ty chuyên về làm các sản phẩm game ở TP HCM cũng đang loay hoay khi doanh số sụt giảm trầm trọng. Theo đại diện công ty này, sắp tới, ngoài việc cắt giảm 50% nhân sự thì số lao động còn lại cũng bị giảm 20-25% lương.
Khảo sát của VietnamWorks với 400 doanh nghiệp và 3.400 người tìm việc mới đây cũng cho thấy, trong dịch bệnh và sau giãn cách xã hội, có gần 60% doanh nghiệp thể hiện đủ năng lực để duy trì và tiếp tục phát triển kinh doanh.
Đặc biệt, nhóm chịu tổn thương do Covid-19 chiếm 40%, trong đó 30% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự để duy trì qua cơn khủng hoảng, 10% các công ty chọn cắt giảm vừa nhân sự lẫn lương, phúc lợi.
Cho rằng dệt may là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may đánh giá, đây là một ngành phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Do dịch bệnh khiến nhu cầu sụt giảm cùng tình trạng đóng cửa của các thị trường lớn làm cho số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm khoảng 25% trong tháng 4 và hơn 30% trong tháng 5.
"Nếu tính cả phần tăng trưởng nếu không có dịch, quy mô xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đã giảm rất sâu", ông Cẩm nói và cho biết điều này khiến việc đảm bảo lượng công việc trở nên khó khăn.
Ngoài vấn đề thị trường, việc thiếu hụt nguyên vật liệu cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp dệt may thu hẹp sản xuất, giảm lao động.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh nghiệp FDI là đối tượng chủ yếu bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào, với 39,6%. Nếu chỉ tính riêng doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ lệ trên tăng lên mức 56,9%. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành may mặc và da giày bị tác động lớn nhất, khi thiếu hụt lần lượt 70,3% và 71%.
"Việc giảm nhân sự là điều không mong muốn, nhưng dịch bệnh khiến doanh nghiệp khó khăn, đơn hàng giảm... buộc phải chọn phương án này", đại diện doanh nghiệp game cho hay.
Mặc dù đua nhau cắt giảm nhân sự nhưng hầu hết doanh nghiệp cho biết sẽ thanh toán đầy đủ và đảm bảo quyền lợi cho người lao động như tiền lương, trợ cấp mất việc, hướng dẫn công nhân chốt bảo hiểm xã hội và làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
"Công ty khi cắt giảm lao động sẽ thực hiện đúng Điều 38 Bộ luật Lao động hiện hành. Toàn bộ công nhân cho nghỉ sẽ được báo trước 45 ngày", ông Nghiệp nói.
Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục những khó khăn trước mắt, phía cơ quan quản lý Nhà nước cần kích cầu để tăng sức mua trong dân. Sức mua này phần nào giúp doanh nghiệp có thể tái tạo được nguồn thu, khi đó mới có thể tiếp tục sử dụng lao động và hạn chế sa thải.
Thi Hà - Minh Sơn