"Đề nghị mở rộng người được thụ hưởng gặp khó khăn do Covid-19, nhưng kinh phí thì vẫn nằm trong gói mà Chính phủ đã quyết định chứ không thay đổi", Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội nói tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng 2/7.
Lý giải cho đề xuất nói trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc ban hành Nghị quyết 42 và Quyết định 15 nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh nhiều nhất, giảm sâu thu nhập, mất việc làm... để duy trì cuộc sống, tránh hỗ trợ tràn lan nên các tiêu chí, điều kiện đặt ra ban đầu chặt chẽ. Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương vừa qua không được hỗ trợ do không thuộc nhóm hoặc không đủ điều kiện.
"Người lao động làm việc tại đơn vị sự nghiệp, cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập, hợp tác xã, tổ chức không phải là doanh nghiệp, không thuộc đối tượng áp dụng Nghị quyết 42 và 15", ông Dung cho hay.
Theo người đứng đầu ngành Lao động Thương binh và Xã hội, đến 29/6, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm được hỗ trợ với tổng kinh phí 17,5 nghìn tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước đã giải ngân gần 11.300 tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 11 triệu người và khoảng 6.200 hộ kinh doanh.
Cụ thể, hơn 10,8 triệu người có công với cách mạng, người được bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ gần 11.100 tỷ đồng. Khoảng 170.000 người lao động đã được hỗ trợ với kinh phí gần 176,2 tỷ đồng. Trong hơn 22.900 hộ kinh doanh thuộc diện hỗ trợ, khoảng 4.300 hộ đã được giải quyết với kinh phí trên 4,3 tỷ đồng.
"Một số địa phương gặp khó khăn về tài chính nhưng cũng đã dành những đồng tiền tích lũy cuối cùng để hỗ trợ người dân", ông Dung nói và cho hay đến nay, quá trình rà soát cho thấy ngoài Thanh Hóa dừng hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo để rà soát đối tượng thì chỉ có ba thôn, bản phát hiện vi phạm trong việc chi trả. Tất cả đã được ngăn chặn và xử lý nghiêm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ban đầu Chính phủ xác định hỗ trợ 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng số tiền 62.000 tỷ đồng, nhưng đến nay tổng hợp danh sách có 15,8 triệu người cần hỗ trợ với tổng số 17,5 nghìn tỷ đồng là "rất tốt".
Ngày 10/4, Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19. Khoảng 20 triệu người yếu thế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được nhận hỗ trợ của gói 62.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, gồm 22.000-23.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 13.000-14.000 tỷ từ ngân sách địa phương.
Ngoài ra, còn nguồn hỗ trợ gián tiếp qua việc cho phép doanh nghiệp phải giảm 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng.
Hoàng Thuỳ - Viết Tuân