"Hiện nay, phần lớn giới trẻ thích làm những việc kinh doanh khởi nghiệp, lại được các diễn giả bồi cho nhiều 'bánh vẽ' quá nên cứ lầm tưởng. Trong đó, hai lầm tưởng lớn nhất là ảo tưởng bản thân khác biệt và không cần chuyên môn, tư duy sẽ bù đắp tất cả.
Nhiều bạn chưa có kiến thức, chỉ nghĩ đơn giản là khởi nghiệp trong các lĩnh vực chung chung như bán hàng ăn, cà phê, quần áo... trong khi các lĩnh vực đó ở Việt Nam đã quá chật chội, người người nhà nhà đang làm, không có một rào cản nào khiến việc gia nhập thị trường quá dễ. Trong khi đó, nếu có một chuyên môn sâu từ các lĩnh vực y tế, tài chính, đến kỹ thuật như tin học, cơ khí, điện tử... các bạn đều có thể khởi nghiệp một cách dễ dàng.
Thứ nữa là sự khác biệt. Ai cũng hy vọng mình khác biệt, nhưng trong môi trường người người tham gia cạnh tranh, tìm được sự khác biệt không dễ. Đa phần các bạn chỉ tự cho mình khác biệt, chứ người ngoài nhìn vào chỉ thấy 'hơi khác' một chút. Và chính sự ảo tưởng đó khiến các bạn nhanh chóng thất bại.
Nhiều người nói 'hãy làm việc thông minh (work smart) thay vì làm việc chăm chỉ (work hard)', điều đó đúng nhưng chưa đủ. Muốn làm việc thông minh nhưng kiến thức, kinh nghiệm đều không có thì thử hỏi thông minh kiểu gì? Thế nên, muốn 'work smart' thì bạn phải 'work hard' trước.
Ví dụ điển hình là trường hợp bạn trẻ vào công ty, nhìn đâu cũng thấy vấn đề, tự tin bản thân mình có thể thay đổi, cải tiến cả bộ máy. Thế nhưng, khổ nỗi, các bạn nói chẳng ai nghe, sếp cũng chẳng thèm bạn tâm đánh giá. Vấn đề là cái các bạn trẻ nói hoàn toàn dựa trên cơ sở kinh nghiệm bằng 0, các bạn chỉ đánh giá trên một góc nhìn rất hạn hẹp trong toàn bộ quy trình công việc lớn, nên ý kiến nghe thì có vẻ hay nhưng không thực tế, và chẳng ai muốn nghe.
Tôi cho rằng, các bạn mới đi làm hãy cứ làm việc chăm chỉ trước đã để tích lũy kinh nghiệm. Sự sáng tạo sẽ nảy sinh trong quá trình làm việc, đấy mới là những sáng tạo hữu ích chứ không phải những mơ mộng viển vông của một người chưa có trải nghiệm thực tế".
Đó là chia sẻ của độc giả Laicuongctbd phản biện lại quan điểm "Người trẻ nên 'work smart' thay vì 'work hard'". Làm việc thông minh hay làm việc chăm chỉ từ lâu đã là trăn trở không của riêng ai, đặc biệt là các bạn trẻ mới bắt đầu đi làm, chưa có kinh nghiệm trong tay. Loay hoay trong định hướng nghề nghiệp, nhiều người trong số đó không thể bứt lên và khẳng định giá trị bản thân.
>> Tôi phát ngán thái độ làm việc tùy hứng của nhiều đồng nghiệp Gen Z
Ủng hộ tư tưởng làm việc chăm chỉ trước khi nghĩ đến làm việc thông minh, bạn đọc SJr phân tích: "Chúng ta có thể chia ra làm bốn giai đoạn trong sự nghiệp:
- Giai đoạn 1: Thời gian mua bài học.
- Giai đoạn 2: Cần cù thu kinh nghiệm.
- Giai đoạn 3: Bán kinh nghiệm mua thời gian.
- Giai đoạn 4: Thời gian tự sinh thu nhập.
Các bạn trẻ mới ra trường và bắt đầu đi làm hầu như chưa biết gì về thực tế công việc, nên hãy giữ tâm thế là người ta đang vừa dạy vừa trả tiền cho mình. Do đó, việc các bạn cần làm là khiêm tốn tiếp thu và 'cắm đầu cắm cổ' cày cuốc để tạo thêm nhiều nhiều kinh nghiệm cho bản thân.
Giai đoạn này, ai siêng năng hơn sẽ tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn, nhanh hơn. Sau nhiều năm tích lũy, khi kinh nghiệm đủ đầy, các bạn mới có để bán chúng để đổi lại khoảng thời gian mà mình từng đánh đổi trước kia, các bạn sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, dành cho gia đình.
Sau đó, khi bản thân đã chín muồi, các bạn mới có thể cứ nhàn nhàn mà đồng tiền vẫn tự sinh sôi. Đó sẽ là thành quả cuối cùng. Nói chung, công sức sẽ tỷ lệ nghịch với kinh nghiệm. Khi chưa có kinh nghiệm thì bạn phải bỏ nhiều công sức.
Ví dụ cái động cơ hư, không ai sửa được, nhưng một lão làng đến gõ một phát búa là sửa xong rồi lấy phí 1.000 USD, trong đó 1 USD là tiền gõ, còn 999 USD là tiền kinh nghiệm. Trong đơn giản vậy, chứ người lóc chóc mới ra trường cũng đòi xách cây búa đi gõ, coi chừng phải đền luôn cả cái máy. Muốn công ít thì bạn phải có kinh nghiệm nhiều, muốn kinh nghiệm nhiều thì phải bỏ nhiều công học".
Thành Lê tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.