Các chính phủ trên thế giới đã không thể đoàn kết trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Điều này có thể thấy rõ ràng nhất trong cuộc đua phát triển vaccine ngừa nCoV. Thay vì nỗ lực hợp tác, nhiều quốc gia đang tìm cách chiến thắng để trở thành bên đầu tiên sở hữu vaccine.
Theo bình luận viên Adam Taylor của Washington Post, "chủ nghĩa dân tộc vaccine" đã giành thêm chiến thắng trong tuần này, khi Mỹ tuyên bố sẽ không tham gia dự án Tiếp cận Vaccine Covid-19 Toàn cầu (Covax), do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bảo trợ. Covax là kế hoạch hợp tác toàn cầu nhằm tăng tốc độ phát triển vaccine, đảm bảo liều lượng cho tất cả quốc gia và phân phối chúng đến những nhóm dân số có nguy cơ cao nhất.
Việc Mỹ vắng mặt là đòn giáng lớn đối với dự án nỗ lực khắc phục tình trạng bất bình đẳng về tiêm chủng. Hơn 170 nước đang đàm phán tham gia Covax, dự án được các đồng minh truyền thống của Mỹ như Đức, Nhật Bản và Ủy ban châu Âu ủng hộ.
Tuy nhiên, Mỹ không đơn độc trong lựa chọn này. Nhiều quốc gia khác cũng theo đuổi các kế hoạch đơn phương, tập trung sản xuất vaccine để sử dụng trong nước hoặc mua vaccine tiềm năng từ các nước khác.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere hôm 1/9 nói rằng Mỹ không "bị hạn chế bởi các tổ chức đa phương chịu ảnh hưởng của WHO và Trung Quốc". Thay vào đó, chính quyền Trump sẽ tăng cường dự án phát triển vaccine riêng mang tên Chiến dịch Thần tốc, nỗ lực nhiều tỷ USD để có được vaccine sớm nhất vào mùa thu này.
Nga cũng từ chối tham gia kế hoạch Covax. Nga đã tiêm Sputnik V, loại vaccine ngừa Covid-19 được đăng ký đầu tiên trên thế giới, cho giáo viên và nhân viên chăm sóc sức khỏe, dù nhiều nước phương Tây cáo buộc Moskva "đốt cháy giai đoạn" thử nghiệm. Nga đã bác bỏ các cáo buộc này, khẳng định vaccine của họ an toàn và được thử nghiệm đầy đủ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh hôm 2/9 tuyên bố Bắc Kinh sẽ ủng hộ và phối hợp với dự án Covax, nhưng không đưa ra cam kết nào đối với kế hoạch này.
Những người ủng hộ Covax vẫn rất lạc quan khi chỉ ra nhiều quốc gia giàu có khác đang hậu thuẫn cho sáng kiến. Nhưng khi thời gian phát triển vaccine bị kéo dài và các điều khoản liên tục thay đổi, dự án này có thể không đạt được như kỳ vọng của nhiều người.
Taylor nhận định việc xem xét lý do khiến chủ nghĩa dân tộc vaccine dường như đang thắng thế rất quan trọng. Các nỗ lực hợp tác quốc tế thường không có khả năng tìm ra giải pháp thần tốc. Một số quốc gia có thể lấy lý do rằng sau này họ có thể tham gia Covax nếu nó thành công.
Nếu một quốc gia tự phát triển vaccine nội địa hoặc đặt mua hàng triệu liều ở nước ngoài, họ sẽ được quyền tiếp cận đầu tiên với vaccine. Đối với các nước giàu, lợi ích được đặt trước các rủi ro và vấn đề nhân đạo.
Mỹ đã đầu tư 10 tỷ USD cho các ứng viên vaccine tiềm năng, theo Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Alex Azar. Đây là "món hời" nếu so với hàng nghìn tỷ USD chi cho các gói cứu trợ tài chính, đồng thời cũng có khả năng ảnh hưởng lớn tới kết quả bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11.
Nếu một quốc gia phát triển thành công vaccine, họ sẽ có cơ hội phân phối nó cho nhiều nước khác. Đối với Trung Quốc, đây là cơ hội lớn để khôi phục vị thế toàn cầu. Nga và Mỹ cũng có thể đang theo đuổi mục tiêu này, trong bối cảnh có nhiều nước quay lưng với họ.
Vài chuyên gia cho rằng cạnh tranh vaccine là lành mạnh và thậm chí là ý tưởng tốt trên một số khía cạnh. "Cạnh tranh giữa các nước thường dẫn tới sáng kiến. Điều này hoàn toàn đúng trong cuộc chạy đua vào vũ trụ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hay các đột phá khoa học, từ radar đến tên lửa, trong Thế chiến II", Matthew Lynn viết trong bài đăng trên Spectator tuần này.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu vaccine không đồng tình với quan điểm này. Cuộc tranh đua vào vũ trụ có thể dẫn tới "bước nhảy vọt lớn cho nhân loại" khi đưa con người đặt chân tới Mặt Trăng, nhưng ít ai quên rằng phi hành gia thực hiện được bước chân đó là người Mỹ. Không khó để nhận thấy các quốc gia nghèo hơn có thể bị bỏ lại trong cuộc đua vaccine.
Wall Street Journal hôm 1/9 đưa tin rằng một số nước lớn đã đạt các thỏa thuận cung cấp cho nhau gần 4 tỷ liều vaccine ngừa nCoV đang phát triển, chiếm gần như toàn bộ lượng sản xuất của thế giới và chỉ để lại rất ít cho các nước nghèo, bất chấp tốc độ lây lan nhanh của nCoV ở nhóm quốc gia đang phát triển.
Vấn đề về nguồn cung mới chỉ bắt đầu. "Trong chuỗi cung ứng vaccine có một một số mắt xích bất thường như máu cua móng ngựa, dầu gan cá mập và một loại enzyme được cho là nằm trong số sản phẩm đắt nhất thế giới", Scott Duke Kominers và Alex Tabarrok, hai nhà kinh tế học viết trong bài đăng trên Bloomberg tháng trước. "Một số mắt xích khác phụ thuộc vào quy trình sản xuất mới chưa từng được triển khai rộng rãi".
Các chương trình tiêm chủng cũng có tỷ lệ thành công khác nhau. Bệnh đậu mùa đã được đẩy lùi nhờ phát triển thành công vaccine, nhưng bại liệt và sởi vẫn tồn tại dù có vaccine. Số lượng ca nhiễm quá lớn cùng bản chất "mới lạ" của nCoV sẽ càng làm tăng thêm khó khăn cho nỗ lực diệt trừ mầm bệnh này. Các loại vaccine được phát triển vội vã và có thể không đảm bảo chất lượng sẽ càng đẩy mạnh phong trào bài vaccine.
Covax được kỳ vọng giúp giải quyết một số vấn đề trên, nhưng không phải là giải pháp hoàn hảo, theo Adam Taylor. Nó yêu cầu các nước giàu chi 18 tỷ USD để đặt mua hơn chục loại vaccine thử nghiệm, với mục tiêu đảm bảo nhóm dễ bị tổn thương nhất của thế giới có thể tiếp cận đầu tiên với vaccine. Theo kế hoạch, các quốc gia vẫn có thể thực hiện thêm thỏa thuận song phương nếu muốn.
Nhưng Mỹ và một số nước vẫn từ chối kế hoạch, đặt cược vào Chiến dịch Thần tốc cùng nhiều giải pháp mang tính quốc gia khác. Trong cuộc phỏng vấn tháng này với IAVI Report, tạp chí khoa học nghiên cứu về virus, chuyên gia về vaccine Seth Berkley, giám đốc điều hành liên minh vaccine Gavi và là một trong số ủng hộ Covax, nói ông lo lắng về thế giới mà ở đó các chính phủ chỉ muốn cung cấp vaccine cho người dân của họ.
"Nếu bạn chứng kiến các đợt bùng phát lớn của loại virus có khả năng biến đổi, thích nghi với con người và sau đó lây lan, bạn sẽ không bao giờ giải quyết được nó", ông nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)