Như nhiều quốc gia giàu có khác, Nhật Bản đang ký kết hàng loạt thỏa thuận thu mua vaccine Covid-19 khác nhau nhằm đề phòng bởi một số vaccine có thể thất bại trong thử nghiệm lâm sàng hoặc người dân có thể phải tiêm nhiều hơn một mũi. Chuyên gia nhận định đây là một cách tiếp cận tương đối thận trọng.
Tuy nhiên, ngoài bảo vệ người dân khỏi đại dịch, Nhật Bản còn hướng tới một mục tiêu khác khi nỗ lực triển khai tiêm chủng đại trà: Tokyo sẽ phải tiếp đón hàng nghìn vận động viên và người hâm mộ tới tham dự thế vận hội Olympic năm 2021 sau khi sự kiện hủy vào năm nay vì Covid-19.
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết Nhật đang thảo luận với ban tổ chức Olympic về việc làm thế nào để tổ chức đại hội thành công, nhấn mạnh tiêm chủng đại trà là yếu tố tối quan trọng, do đó cần đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vaccine.
Nhiều công ty "có thể sẽ sản xuất được vaccine trong khoảng thời gian từ cuối năm nay đến tháng ba năm sau", ông nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn gần đây. "Chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều nhưng trên hết, chúng tôi muốn tổ chức Olympic bằng mọi giá".
Nhật Bản có kế hoạch mua 521 triệu liều của 5 loại vaccine Covid-19 trong năm 2021, gấp 4 lần dân số 126 triệu người của nước này. Các thỏa thuận gần đây bao gồm hợp đồng với Pfizer Inc, Mỹ, và AstraZeneca PLC, trụ sở tại Cambrdige, Anh.
"Bạn phải đặt cược đồng đều để tránh khả năng không nhận được gì", Giám đốc Viện Y tế Công cộng Quốc gia Nhật Bản Tomoya Saito, cho hay.
Một số nhà phê bình nhận định Nhật Bản vội vàng thu mua vaccine Covid-19 số lượng lớn bắt nguồn từ mong muốn chính trị cho thế giới thấy họ toàn tâm toàn ý với Olympic.
"Kế hoạch là hy vọng vào một phép màu rồi sau đó tận dụng triệt để phép màu đó", Michael Cucek, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple, Nhật Bản, cho hay. "Nhưng quỹ thời gian để đạt được phép màu đang ngày càng hẹp lại".
Bộ Y tế và các quan chức từ Văn phòng Nội các không trả lời các câu hỏi về việc liệu nỗ lực bảo đảm vaccine của Nhật có liên quan đến Olympic hay không.
Giới chức Nhật Bản đã thảo luận về việc tổ chức một Thế vận hội "đơn giản hóa", ban đầu dự kiến thu hút 600.000 du khách. Nhưng sự kiện vẫn sẽ có sự tham gia của khoảng 11.000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới.
Với quy mô của sự kiện và lượng người đổ tới Nhật Bản lớn như vậy, tổ chức Olympic rõ ràng "cần một số lượng rất lớn vaccine hiệu quả", Kenji Shibuya, giám đốc Viện Sức khỏe Dân số tại Đại học Hoàng gia London, Anh, nhận xét.
Việc tổ chức một Thế vận hội giữa đại dịch sẽ tạo ra thách thức hậu cần khổng lồ khi mà hàng nghìn vận động viên phải tập luyện và di chuyển tới các địa điểm tổ chức thi đấu. Bên cạnh đó, việc đón tiếp hàng chục nghìn người hâm mộ cũng trở nên vô cùng khó khăn ở thời điểm mà nhiều quốc gia có khả năng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nhật Bản hiện vẫn áp lệnh cấm đi lại với trên 140 nước.
Ngay cả khi sở hữu đủ lượng vaccine cần thiết, việc tiêm chủng cho các vận động viên và khách quốc tế trước hoặc sau khi hạ cánh xuống Nhật Bản cũng là một thách thức.
Một "vấn đề rất rất quan trọng" đối với công tác tổ chức Olympic là khi đã có đủ vaccine thì việc phân bổ chúng sẽ được thực hiện ra sao, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike hôm 25/8 nói. "Chúng tôi sẽ làm hết sức để ngăn nCoV lây lan tại Nhật Bản, đồng thời chào đón các vận động viên từ toàn cầu".
Vũ Hoàng (Theo Reuters)