Ở một số bộ phận của tòa nhà, việc trang bị nội thất vẫn đang được tiến hành. Bên ngoài, xe thi công đang đào bới đất.
Nhà máy sản xuất rộng 20.000 m2 được xây dựng trong những tháng gần đây để sản xuất vaccine Covid-19 do công ty dược phẩm Trung Quốc Sinovac Biotech phát triển.
CoronaVac, vaccine tiềm năng của Sinovac, là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc để dẫn đầu triển khai tiêm chủng chống Covid-19 và để chứng minh sức mạnh khoa học của nước này.
Các nhà khoa học trên toàn cầu đang chạy đua để tìm cách ngăn chặn virus đã khiến 24,3 triệu người nhiễm và gần 830.000 người chết. 6 vaccine tiềm năng đã bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba - bước thử nghiệm cuối cùng để chứng minh tính hiệu quả và an toàn trước khi xin cơ quan quản lý cấp phép. Ba trong số đó là của Trung Quốc.
Các cuộc thử nghiệm Giai đoạn ba của CoronaVac đang được triển khai ở Brazil và Indonesia với khoảng 11.000 tình nguyện viên. "Nếu mọi thứ suôn sẻ, chúng tôi hy vọng có thể đạt một số kết quả vào cuối năm nay", Helen Yang, giám đốc quan hệ đầu tư của Sinovac, nói tại nhà máy sản xuất ở quận Đại Hưng, Bắc Kinh.
Công ty công nghệ sinh học này bắt đầu phát triển vaccine vào cuối tháng một, chưa đầy một tuần sau khi Vũ Hán, tâm dịch ban đầu tại Trung Quốc, bị phong tỏa. Việc xây dựng nhà máy bắt đầu vào tháng ba và Yang cho biết cơ sở này sẽ sản xuất 300 triệu liều vaccine mỗi năm nếu được Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc chấp thuận.
CoronaVac sử dụng cách tiếp cận kiểu cũ - sử dụng virus bất hoạt để thúc đẩy cơ thể phát triển khả năng miễn dịch. Virus được nuôi trong điều kiện kiểm soát và bị vô hiệu hóa bằng hóa chất nên không thể tự nhân lên để gây bệnh khi tiêm vào cơ thể. Phương pháp này từ lâu đã được chứng minh là hiệu quả với các loại virus khác và vẫn được sử dụng trong các mũi tiêm phòng bệnh bại liệt, cúm và bệnh dại. Người phát ngôn của Sinovac cho biết công ty chọn vaccine bất hoạt vì họ quen thuộc nhất với cách tiếp cận này.
Trong khi đó, Mỹ đang thúc đẩy một loại vaccine mới hơn được sản xuất bằng vật liệu di truyền từ virus. Loại vaccine này được sản xuất nhanh hơn vì không cần phải nuôi cấy toàn bộ mẫu virus, nhưng khó xác định cần dùng vật liệu di truyền nào từ virus để kích thích phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.
Để đẩy nhanh nhanh quá trình tiền lâm sàng, khi các nhà nghiên cứu phát triển vaccine tiềm năng và thử nghiệm trên động vật, Yang cho biết công ty đã tiến hành một số nghiên cứu song song để có thể chọn ra kết quả tốt nhất.
Sinovac cũng làm việc chặt chẽ với cơ quan quản lý dược phẩm của Trung Quốc để đẩy nhanh quá trình phê duyệt. "Khi chúng tôi hoàn thành một nghiên cứu nhất định, chúng tôi gửi dữ liệu ngay lập tức để họ có thể bắt đầu xem xét", Yang nói thêm.
Hồi tháng 5, Sinovac công bố trên tạp chí Science về kết quả thử nghiệm trên động vật, cho thấy vaccine tạo ra kháng thể hiệu quả ở chuột nhắt và chuột cống, cũng như các loài linh trưởng như khỉ vàng. Một tháng sau, công ty cho biết thử nghiệm giai đoạn hai với 600 tình nguyện viên cho thấy vaccine này khiến cơ thể con người sản sinh ra kháng thể 14 ngày sau khi tiêm chủng.
Nhưng giai đoạn ba yêu cầu thử nghiệm quy mô lớn với hàng nghìn người tham gia. Đến tháng 6, Trung Quốc gần như đã kiềm chế được Covid-19, chỉ có những đợt bùng phát nhỏ lẻ. Trung Quốc ghi nhận tổng cộng hơn 85.000 ca nhiễm, với chưa đến 2.000 ca nhiễm mới kể từ đầu tháng 6, hơn 1/3 trong số đó là ca ngoại nhập, theo Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc.
Yang cho biết số lượng ca nhiễm mới không đáng kể ở Trung Quốc không đáp ứng điều kiện cần thiết để thử nghiệm Giai đoạn ba, vì vậy Sinovac đã đạt được thỏa thuận với Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới với hơn 3,7 triệu ca nhiễm.
Phối hợp với Viện Butantan ở Sao Paulo, thử nghiệm Giai đoạn ba đã được khởi động vào cuối tháng 7 với sự tham gia của 9.000 tình nguyện viên, gồm tất cả nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 chưa bị nhiễm virus, theo các quan chức Sao Paulo. Đổi lại, Brazil được hứa cung cấp 120 triệu liều vaccine nếu thử nghiệm cho thấy nó có hiệu quả.
Các cuộc thử nghiệm vẫn đang được tiến hành, nhưng Dimas Covas, chủ tịch của Viện Butantan, cho biết dữ liệu sơ bộ đến ngày 26/8 cho thấy CoronaVac kích thích khả năng miễn dịch ở 97% số người được tiêm chủng hai liều và tỷ lệ đó về cơ bản sẽ giúp phá vỡ chuỗi lây chuyền nCoV.
Đầu tháng này, Covas cho biết dữ liệu về hiệu quả của vaccine có thể được công bố vào tháng 10, có khả năng khởi động quá trình phê duyệt trong vài tháng nữa. Ông hy vọng vaccine sẽ được cung cấp cho công chúng Brazil trước tháng một năm sau. "Tôi rất lạc quan. Tôi nghĩ rằng đó sẽ là khung thời gian hợp lý", ông nói tại hạ viện Brazil.
Tháng này, Sinovac cũng triển khai thử nghiệm Giai đoạn ba ở Indonesia với 1.620 tình nguyện viên. Công ty nhà nước Indonesia Bio Farma cho biết cuối tuần trước rằng họ đã ký thỏa thuận sơ bộ với Sinovac để mua 50 triệu vaccine từ tháng 11 đến tháng 3/2021, được ưu tiên nhận hàng trước cho đến cuối năm sau.
Khi cuộc chạy đua phát triển vaccine toàn cầu đang nóng lên, Yang nói rằng cạnh tranh giữa các công ty công nghệ sinh học không phải là vấn đề lớn vì nhu cầu vaccine quá lớn để một công ty có thể đáp ứng. Sự cạnh tranh thực sự là với virus, bà nói.
"Tốc độ của chúng tôi phải nhanh hơn tốc độ virus lây nhiễm thay vì cạnh tranh với những bên khác. Chúng tôi muốn mọi bên đều thành công, như vậy thì sẽ có đủ nguồn cung để bảo vệ mọi người", Yang nói.
Hai loại vaccine tiềm năng khác của Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba là do công ty nhà nước Sinopharm phát triển. Các vaccine còn lại là vaccine của Anh do Đại học Oxford và AstraZeneca sản xuất, cùng với hai loại từ Mỹ, một của hãng dược phẩm Pfizer hợp tác với công ty Đức BioNTech và một của Moderna.
13 công ty ở Trung Quốc đang nghiên cứu vaccine Covid-19. Trong số đó, 9 vaccine tiềm năng đang trong quá trình thử nghiệm trên người, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Ivan Hung, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trường y thuộc Đại học Hong Kong, cho biết tiêm chủng là chìa khóa cho các quốc gia như Trung Quốc, nơi các biện pháp nghiêm ngặt đã giúp giữ cho tỷ lệ người nhiễm nCoV trong dân số thấp. "Khả năng miễn dịch cộng đồng rất thấp. Vì vậy ở những nơi này, con đường cần đi chắc chắn là tiêm chủng", ông nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần thúc giục các nhà khoa học Trung Quốc đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển vaccine. Tiêu Á Khương, cựu lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường, hiện là Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, nói với các công ty dược phẩm vào tháng trước rằng phát triển vaccine là "nhiệm vụ chính trị quan trọng".
Vaccine không chỉ giúp cứu mạng sống, mang lại uy tín khoa học và mở ra cơ hội phục hồi kinh tế, nó còn có ý nghĩa địa chính trị đáng kể.
Phát triển vaccine thành công sẽ mang đến cho Trung Quốc cơ hội củng cố vị thế toàn cầu bằng cách định vị mình là nước đi đầu trong công cuộc chiến đấu với đại dịch, xua đi việc họ được cho là nơi khởi phát Covid-19.
Tháng trước, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo ông đã yêu cầu ông Tập cho nước này ưu tiên tiếp cận vaccine của Trung Quốc. Bên cạnh Brazil và Indonesia, Pakistan, một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc, cũng sẽ nhận vaccine sớm từ Sinopharm, nếu thử nghiệm Giai đoạn ba thành công.
Trong một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo châu Phi vào tháng 6, ông Tập cam kết rằng "một khi việc phát triển và triển khai vaccine Covid-19 được hoàn thành ở Trung Quốc, các nước châu Phi sẽ nằm trong những nước đầu tiên được hưởng lợi". Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan cũng cam kết ưu tiên cân nhắc cung cấp vaccine cho nước này khi phát triển thành công.
Đầu tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nói rằng Bắc Kinh sẽ ưu tiên các quốc gia Đông Nam Á gồm Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam tiếp cận vaccine.
Tại Trung Quốc, giới chức đã cho phép "sử dụng khẩn cấp" vaccine tiềm năng trước khi kết thúc thử nghiệm giai đoạn cuối. Cuối tuần trước, một quan chức cấp cao của NHC tiết lộ rằng Trung Quốc tiêm vaccine đang được thử nghiệm cho những người làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ cao kể từ tháng 7, bao gồm nhân viên y tế tuyến đầu và tuần tra biên phòng.
Vaccine do Sinopharm phát triển vẫn đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn ba ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Peru, Morocco và Argentina.
Zheng Zhongwei, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ của NHC, nói rằng việc "sử dụng khẩn cấp" vaccine chưa qua phê duyệt trong "trong trường hợp có mối đe dọa về y tế cộng đồng lớn" là phù hợp với luật vaccine của nước này. Động thái diễn ra sau khi chính phủ Trung Quốc cho phép quân đội sử dụng một loại vaccine tiềm năng khác vào tháng 6.
Tuy nhiên, hôm 24/8, Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cảnh báo không nên cho phép sử dụng khẩn cấp, giải thích rằng bước đi như vậy có thể gây ảnh hường đến nỗ lực phát triển các loại vaccine khác.
"Một trong những nguy cơ tiềm tàng nếu bạn triển khai vaccine quá sớm là nó sẽ gây khó khăn, nếu không muốn nói là chặn bước, các vaccine khác trong việc thu hút mọi người tham gia thử nghiệm", Fauci nói thêm.
Phương Vũ (Theo CNN)