Bill Morin, 82 tuổi, một giám đốc về hưu, không hài lòng với viện dưỡng lão ở Upper West Side (Manhattan, New York). Thang máy hay bị hỏng, căn phòng nhỏ của ông đối diện với một tòa nhà bằng gạch và ông phải xin phép mỗi khi muốn ra ngoài.
Năm ngoái, đúng giai đoạn đỉnh dịch ông chuyển tới Watermark, một khách sạn 16 tầng được xây từ những năm 1920, với những tòa tháp nối tiếp nhau tựa lâu đài cổ của Italy. Nơi đây có bể bơi trong nhà và nhân viên phục vụ có thể đoán trước nhu cầu của ông.
Tim, con trai ông gợi ý cho cha đến đó. "Tôi chưa bao giờ hình dung được nơi hỗ trợ cuộc sống của cha mẹ già trông thế nào. Đây thực sự là tòa nhà đẹp nhất cha tôi được ở, dù ông từng sống trong khu phức hợp đẹp ở Marray Hill trong 30 năm", Tim nói.
Là cư dân Wartermark, ông Morin có thể được thư giãn với những bộ phim yêu thích tại sảnh khách trên tầng mái. Nơi đây, ông nhìn được bao quát ra cầu Brooklyn và đường chân trời của Manhattan. "Người đầu bếp thường hỏi bữa ăn có ngon miệng không trong khi ở nơi khác, tôi thậm chí còn không biết mặt đầu bếp thế nào'", ông kể về sự chu đáo ở Watermark.
Đây không phải nơi cao cấp duy nhất phục vụ người già thượng lưu xuất hiện vài năm gần đây. Một số điểm khác cũng được xây dựng để đáp ứng cuộc sống tuổi già của những người giàu, như Sunrise và Inspir Carnegie Hill, khai trương vào mùa xuân năm ngoái.
Ở Watermark, phòng ăn chính có 140 ghế ngồi sang trọng, một quán cà phê phong cách châu Âu với bánh ngọt vừa nướng, quầy sinh tố, quán rượu theo phong cách Địa Trung Hải, có lò nướng pizza. "Những gì chúng tôi cung cấp là một phong cách sống", Rocco Bertini, giám đốc điều hành Watermark, nói.
Trong khi đó, Inspīr Carnegie Hill sang trọng và đầy tính thẩm mỹ. Sảnh đợi cao vút, tràn ngập ánh sáng và có cây đàn piano lớn, sàn gỗ kiểu La Mã, bức tường mã não xanh và đèn chùm Seguso. Một buổi hòa nhạc của Yo-Yo Ma gần đó truyền đến kênh truyền hình trong nhà. "Công viên bầu trời" trên tầng 17 có sân hiên bao quanh, quán rượu nhỏ và sảnh khách với lò sưởi. Tầm nhìn bao quát ra sông Đông từ căn hộ penthouse tầng 23 vô cùng ngoạn mục.
Sang trọng đi kèm với một chi phí cao. Phí hàng tháng tại Watermark dao động 8.300 USD cho căn hộ studio hay 20.300 USD cho căn hộ hai phòng, chưa gồm phí thành viên đóng một lần trước khi đến ở (50.000 USD cho cuộc sống độc lập có người chăm sóc riêng, 20.000 USD cho chế độ chăm sóc chung của viện).
Phí tại Inspīr từ 13.500 USD một tháng, bao gồm tiền ăn ở, trợ giúp đặc biệt và các sự kiện, chương trình đặc biệt. Một căn hộ áp mái giá từ 29.750 USD một tháng, chưa tính phí y tế.
Ngược lại, chi phí trung bình cho một người già ở viện dưỡng lão thông thường ở Mỹ khoảng 4.000 USD mỗi tháng, theo một báo cáo gần đây của Genworth Financial, một công ty bảo hiểm.
Vì tác động của đại dịch, chi phí đắt đỏ, không nhiều người đến các khu cao cấp này. Một năm kể từ ngày mở cửa vào tháng 10 năm ngoái, Watermark chỉ có 30 khách hàng, dù sức chứa là 275 người. Các không gian chung trống trơn, nhiều nhân viên rảnh rỗi. Tòa nhà Inspīr gồm 215 căn nhộn nhịp hơn một chút, với khoảng 60 người, cho đến nay.
Bà Snyder, một cư dân sống tại Inspīr cho biết, quyết định đến khu dành cho người già không hề dễ dàng. Từng là một diễn viên nổi tiếng, bà vẫn nhớ có lần đến thăm bà của mình trong một viện dưỡng lão tồi tàn với "một chiếc giường cũi nhỏ và trang thiết bị khá thô sơ". "Tôi không muốn điều đó xảy ra với bản thân", bà nói. Nhưng khi đến tham quan Inspīr, nơi không xa căn hộ cũ và các nhà hàng yêu thích, bà thay đổi suy nghĩ.
"Tôi quyết định đến đây để được chăm sóc sức khỏe tốt và được sống trong một không gian rất sang trọng," bà Snyder, nói. Ở đây, bà tham gia câu lạc bộ điện ảnh, lớp học viết hồi ký. "Tôi đã có vài người bạn rất đáng yêu", bà hào hứng.
Trở lại Watermark, ông Morin đang tận hưởng quang cảnh từ sảnh khách, uống ly rượu vang và nghe nhạc jazz.
Ông Morin cho biết căn hộ một phòng ngủ, hai phòng tắm với bếp nhỏ, vòi sen bằng đá cẩm thạch và đồ nội thất hiện đại trang nhã khiến ông nhớ đến những khách sạn tốt nhất. "Nhưng ở đây tốt hơn vì tôi là một cư dân", ông nói. Chi phí phần lớn được đài thọ bởi chính sách chăm sóc dài hạn mà ông đã thực hiện từ nhiều năm trước.
Chỉ tay về phía thang máy giới thiệu nó phóng lên, hạ xuống nhanh thế nào, ông nói: "Tôi từng ở bốn nơi khác trước khi đến đây. Đây là thiên đường".
Nhật Minh (Theo New York Times)