Hàng ngày, Cố Nguyệt, 39 tuổi, cư dân trẻ nhất trong viện dưỡng lão quận Du Trung, thành phố Trùng Khánh, thức dậy lúc 6h sáng và đi ngủ lúc 21h.
"Ăn no ngủ kỹ không căng thẳng. Tôi tăng được mấy cân so với thời điểm chưa vào viện", Cố cho biết.
Hơn một năm trước, người đàn ông vốn là một lập trình viên này cảm thấy choáng váng khi đang đi lên cầu thang rồi ngã đập đầu xuống đất, bất tỉnh. Có người hàng xóm đi qua gọi cấp cứu, anh mới được đưa tới bệnh viện.
Sau khi khám, ngoài tiền đình không tốt, Cố còn được chẩn đoán bị viêm bao hoạt dịch khớp, cần điều trị lâu dài. Chưa lập gia đình, bố mẹ lại mới mất do ung thư, người đàn ông đành nằm điều trị nội trú một năm trong bệnh viện, thuê y tá chăm sóc riêng.
Tháng 9/2020, khi có thể tự mình đi lại trên đường phẳng, Cố Nguyệt xuất viện nhưng không muốn về nhà bởi sợ nếu ngã sẽ chẳng có ai giúp. Nhờ tới họ hàng, anh sợ làm phiền. Lúc này, dì của Cố mới gợi ý đưa anh vào trại dưỡng lão để được chăm sóc và phục hồi tốt hơn.
Ban đầu, Cố phản đối khi nghe đề xuất này, nhưng sau khi tìm hiểu và nhiều lần cân nhắc, cuối cùng anh cũng đến viện dưỡng lão tại quận Du Trung, thành phố Trùng Khánh và bắt đầu "cuộc sống người già" của mình.
Ngoài Cố, trong viện có gần 50 cụ ông, cụ bà khác. Trước khi đổ bệnh, anh thường thức đêm làm việc, nghỉ ngơi không đều đặn, có khi đến sáng mới ngủ. Nhưng từ khi sống tại viện dưỡng lão, anh sinh hoạt đều đặn và khoa học. Trước đây, Cố nhiều lúc bị trầm cảm, thậm chí nghĩ rằng sức khỏe tinh thần của mình sẽ tệ hơn khi sống ở đây. Tuy nhiên sau khi chuyển đến, anh đã nhanh chóng tìm được niềm vui khi được truyền năng lượng sống tích cực từ những người già trong viện. "Chẳng hạn tôi được nghe kể về hồi ức chiến tranh hay chuyện tình yêu của họ thời trẻ. Đó là những kỷ niệm đẹp và đáng quý", người đàn ông 39 tuổi kể.
Sau bữa tối, Cố cùng xem phim truyền hình với các cụ ở khu vực chung. "Trong phòng cũng có tivi nhưng xem cùng nhau vui hơn nhiều. Các cụ hay thảo luận về nội dung bộ phim, nhiều ý kiến nghe rất hài hước", Cố nói và cho biết anh có hai người bạn thân, một người được gọi là "mẹ vợ", người kia gọi là "ông ngoại".
Thực chất người đàn ông này cũng không biết hai người họ vì sao lại đến viện dưỡng lão bởi không tiện hỏi. Khi biết anh là lập trình viên, "mẹ vợ" hỏi cách chụp ảnh bằng điện thoại di động và muốn kiểm tra bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trực tuyến. Còn "ông ngoại" được anh dạy cách sử dụng internet đặt hàng online. Ông cụ đã mua thành công một chiếc ghế xích đu theo hình thức này và đưa nó ra sân cho mọi người cùng sử dụng.
"Được coi trọng là niềm vui mới của tôi kể từ khi bị cho nghỉ việc", người đàn ông trầm tư và cho biết muốn trả lời nhiều câu hỏi hơn nữa liên quan đến điện thoại di động cho người già trong viện dưỡng lão.
Cố cho hay, cuộc sống "về già" tuy dễ chịu và hạnh phúc nhưng đó chỉ là thời điểm chuyển giao tạm thời trong cuộc đời. "Tôi vẫn mong mỏi một ngày được trở lại làm việc".
Bác sĩ cho biết, hiện Cố đang phục hồi sức khỏe tốt, một năm nữa có thể trở lại làm việc. "Sau này khi về hưu, tôi sẽ chính thức sống trong viện dưỡng lão", anh nói.
Hà Nhậm Nhâm, trưởng phòng hành chính của viện dưỡng lão quận Du Trung, thành phố Trùng Khánh cho hay khi nhận thông tin người đàn ông 39 tuổi muốn đến ở, ông rất ngạc nhiên bởi độ tuổi trung bình ở đây là 80. "Anh ấy là cư dân trẻ nhất từng đến sống ở đây". Hà cũng nói rằng thời điểm mới chuyển đến, Cố thậm chí không bao giờ mở cửa phòng.
"Nhưng giờ anh ấy lại rất vui vẻ và chia sẻ sự ấm áp của mình cho các cụ già trong viện", vị trường phòng cho biết. Không chỉ thế, sự xuất hiện của Cố cũng truyền cảm hứng cho các nhân viên trong bệnh viện. Mọi người thảo luận rằng trong tương lai, những người trẻ tuổi có thể đến sinh sống tại viện dưỡng lão như Cố. "Rất có thể đó sẽ trở thành xu hướng mới", ông Hà nói.
Vy Trang (Theo qq)