"Tôi quyết định bán đất và chuyển nhà chỉ trong một buổi sáng. Con trai bất ngờ tới nỗi bảo 'mẹ bán đất mà như bán của ăn trộm'", người phụ nữ 84 tuổi quê Cẩm Giàng, Hải Dương, cười vui, kể lại câu chuyện hai năm trước.
"Bà Dành là một người già hiếm hoi thích sống tại đây và xem đây như nhà của mình", Hoàng Ngân, phó giám đốc một viện dưỡng lão ở Hà Nội đang chăm sóc hơn 200 cụ, chia sẻ. "Đa phần các cụ vào đây khi sức khỏe yếu, con cháu không chăm sóc được".
Bà Dành cùng chồng, ông Vũ Đình Bưởi, sống trong viện dưỡng lão này được hơn hai năm. Họ ở trong căn phòng rộng 30 m2, hai mặt thoáng, tiện nghi đầy đủ, có người phục vụ mọi sinh hoạt hay chăm sóc y tế. Mỗi tháng ông bà phải trả hơn 20 triệu đồng.
"Nếu không vào đây, có thể tôi và ông nhà đã ra đi từ lâu rồi", bà Dành nói.
Thời trẻ, ông Bưởi là cán bộ nhà nước, bà Dành là công nhân. Họ từng trải qua giai đoạn đói khổ, phải chạy chợ nuôi con. Khi con trưởng thành, dựng vợ gả chồng xong cũng là lúc cặp vợ chồng đã lưng còng, mắt mỏi.
Ba lần tai biến gần nhau cuối năm 2018 khiến ông Bưởi nằm liệt giường. Bà bị đau lưng cũng không đi lại được. Cả hai vợ chồng ốm đau nhưng không muốn phiền con cái nên thuê hai người giúp việc, thậm chí trả lương 12 triệu đồng một tháng cho con rể thứ hai nghỉ việc chăm sóc vợ chồng mình, nhưng cũng chỉ được vài tháng. "Cả con lẫn người ngoài đều không có kinh nghiệm chăm người già hay người đột quỵ", bà nói.
Một hôm, bà Dành nảy ra ý định vào viện dưỡng lão nên chống gậy ra quán nước nhờ người dân bắn tin muốn bán đất. Ngay trong sáng hôm ấy, có người đến hỏi mua và giao dịch hoàn tất trong vòng nửa tiếng. Bà nhận trước một tỷ đồng đặt cọc và tức tốc khăn gói "chuyển nhà" đến một trung tâm chăm sóc người già ở Hà Nội.
Một nửa tiền bán đất được đóng trước cho trung tâm, một nửa gửi ngân hàng. Bà khoe, chỉ riêng tiền lãi và lương hưu đã đủ cho hai cụ sống trong này, chưa kể đến thu nhập từ bất động sản cho thuê ở Đà Nẵng.
"Giả dụ tôi khư khư giữ lại đất thì bốn đứa con sẽ phải góp tiền hàng tháng. Phương án này liệu có lâu dài không? 'Đời cua cua máy đời cáy cáy đào', đã nuôi con khôn lớn và lo cho ở riêng là hết trách nhiệm. Mảnh đất này sẽ là của để dành cho vợ chồng tôi dưỡng già", bà nói.
Bà Dành tính được như vậy nhưng không tính được cuộc sống trong viện dưỡng lão. Lúc đi bà mang cho ông hai chiếc áo, đồ đạc của mình cũng qua loa bởi không chắc mình có thích ứng được với cuộc sống mới.
Hồi đó cơ sở dưỡng lão này mới mở thêm, tầng 5 và 6 không có ai. Ông Bưởi nằm bất động trên giường. Bà thì bị đau xương khớp phải nằm võng. Bản tính của một người phụ nữ tháo vát, cả đời tần tảo không cho bà nằm yên để được phục vụ. Đi vệ sinh, rót nước, bà đều xoay xở tự làm, dù mất cả chục phút.
Bên cạnh vật lý trị liệu, bà tập bò theo một video trên mạng. Hành lang rộng thênh thang, bà bò đầu nọ sang đầu kia, miệng nhẩm đủ 1.200 bước thì dừng. Kiên nhẫn ngày qua ngày, mặc cho người xung quanh xì xào vì thấy lạ, đến mùa hè năm đó bà có thể đứng dậy và đi lại bằng xe chữ U. Dần dần bà bỏ xe, đi men theo tường, tới trước Tết vừa rồi thì đi lại được bình thường.
Cụ ông cũng tốt lên thấy rõ. Hàng ngày đều có nhân viên đến trở mình và xoa bóp. Dù không nói được, ông vẫn nhận biết, cùng phối hợp với nhân viên tập nâng chân tay hàng ngày.
Bữa nọ, ông Bưởi ăn xong tự dưng nôn thốc tháo, huyết áp tăng vọt. Ngay lập tức có bác sĩ xử lý kịp thời nên qua được nguy hiểm. Bà Dành tin chắc nếu ở quê thì trên đường thuê taxi chạy 8 km tới bệnh viện, có thể "ông đã không qua được". "Tất nhiên có những điều viện dưỡng lão không bằng con nhưng nhiều cái còn hơn cả con cháu. Tôi thích ở trong này", bà Dành bộc bạch.
Chị Thoa, người con út của bà Dành chia sẻ, bố mẹ chị là người chủ động tài chính. Chỉ khi ông bị liệt nửa người, bà mới ra quyết định vào viện dưỡng lão vì không yên tâm để con cháu chăm sóc. Bố mẹ vào trung tâm khiến các con đến thăm cũng khó khăn hơn do ở xa, nhưng trong này luôn có người chăm sóc và yêu thương hai cụ nên các con cháu cũng yên tâm.
"Mẹ tôi là người lạc quan, yêu cuộc sống. Mẹ hiểu rằng niềm vui là do tự mình nên luôn thấy vui với những năm tháng tuổi già ở đây", chị Thoa chia sẻ.
Giờ đây niềm vui hàng ngày của bà Dành là được phụ điều dưỡng cùng chăm sóc ông và nói chuyện với các bạn già hay đọc báo, "chơi" Facebook, Zalo.
Các cụ trong này gọi bà Dành bằng "chị" vì những chia sẻ tích cực, hướng thiện và sự giúp đỡ bà mang đến cho họ. "Bao giờ bà cũng ở giữa khuyên can các cụ khi có xích mích. Một số cụ có xu hướng đòi hỏi con cháu, bà hay khuyên để cho con cháu được sống đời của chúng", chị Hoàng Ngân cho hay.
Trong cuộc thi Hoa hậu cao niên của trung tâm mới đây với chủ đề Phụ nữ hạnh phúc, bà Dành mang đến quan điểm khác hoàn toàn số đông. "Phụ nữ hạnh phúc là phải biết yêu chính mình. Chỉ khi biết trân trọng mình thì mới làm được điều tốt đẹp cho những người xung quanh", bà nói.
Quan điểm này giúp bà đoạt giải Hoa hậu truyền cảm hứng.
Phan Dương