9h sáng, ngày cuối năm, mùi hương nhu, bưởi, xả... thơm nức căn phòng riêng của cụ Phùng Kim Đính tại một viện dưỡng lão ở Hà Đông (Hà Nội). Ngoài một nồi nghi ngút khói xông, cụ cũng nhờ điều dưỡng ở đây đun một nồi khác để tắm gội.
Trái với thường ngày, hôm nay phòng cụ Đính được trang hoàng rực rỡ. Màn bị tháo bỏ. Hai cây đào, quất bày bên cửa sổ. Một bình dơn đỏ sắp nở bung. Đống băng đĩa ngày xuân xếp gọn gàng trước kệ tivi. Cụ Đính ngồi trên giường, được điều dưỡng sấy khô mái tóc. Không thể đi lại 3 năm nay, bù lại thần trí cụ minh mẫn, đôi mắt tinh anh trên khuôn mặt hồng hào. "Việc cuối cùng trong năm đã xong", cụ bà thở phào, vuốt mái tóc được tết gọn một bên.
Phía sau cánh cửa là những dãy phòng chung. Nơi ánh sáng yếu ấy, một số cụ co ro trên giường, không ít người trầm lặng, không ít người đã lẫn, chỉ thấy tuổi già héo hon cùng bệnh tật...
"Hơn 70 cụ trong này thì chỉ có khoảng 10% được con cháu đón về ăn Tết. Những người còn lại được người thân ghé qua thăm, hoặc chỉ gọi điện, gửi quà. Riêng cụ Đính là có cái tết đầy đủ, sum vầy con cháu ở đây", chị Hoàng Ngân, phó giám đốc viện dưỡng lão cho hay.
Bà cụ Phùng Kim Đính là một trường hợp đặc biệt khi xem viện dưỡng lão là nhà. Ba năm nay, cụ luôn tự chuẩn bị Tết cho mình. Từ rằm tháng Chạp, cụ đã đi hội chợ mua mấy món đồ ủng hộ quỹ từ thiện, trong đó có một cành đào.
Qua mấy hôm, cháu đích tôn mang vào 3 loại khay khác nhau để đựng mứt cùng một thùng băng đĩa. Rồi cụ liệt kê danh sách nhân viên viện dưỡng lão để chuẩn bị lì xì, tất thảy gần 50 người. Món quà không chỉ là mừng tuổi thông thường, mà còn như một lời cảm ơn một năm qua đã chăm sóc cụ, một điều dưỡng tiết lộ.
Qua ông Công, ông Táo, cụ Đính bắt đầu mua hai cây quất và đào trưng phòng. Gia đình cụ những ngày đó cũng ra vào liên tục mang nhiều món ngon. Trưa mùng Một, cụ đón đoàn con, cháu, chắt và họ hàng, xóm giềng đến viện dưỡng lão chúc Tết. Thong thả từ đó đến chiều và những ngày hôm sau, phòng của cụ không ngớt khách. Những chiếc lì xì được cụ Đính trao tay từng người một. "Tôi có một chắt trai đang tuổi biết đi. Nó vào đây chạy lăng xăng khắp phòng, thích lắm", mắt ngước lên trần nhà, cụ cười nói.
Trong 3 ngày Tết, cụ Đính sẽ không căng màn, chấp nhận có muỗi, chấp nhận khó ngủ, đổi lại không muốn sự già yếu, bệnh tật của mình ảnh hưởng đến người đến thăm.
Gia đình bề thế, cụ Phùng Kim Đính từng kinh qua nhiều chức vụ trong Bộ Tư pháp và Bộ Y tế, trước lúc nghỉ hưu năm 1986 là trưởng một khoa mắt. Phần nào những điều đó đã hun đúc nên một con người tuy có phần xét nét nhưng cũng rất chỉn chu và tư tưởng hiện đại.
Chồng mất năm 2003, lúc đó cụ Đính đã bước sang tuổi 80. Song cụ không chọn ở cùng con cháu mà sống một mình trong một căn chung cư ở Đống Đa, hàng ngày tìm niềm vui bên gánh nước, vại dưa cà. Cuối năm 2014, một người hàng xóm đột tử khiến cụ Đính nghĩ đến bản thân mình. Sau một thời gian tìm hiểu, đầu tháng 4/2015, cụ chọn vào ở một viện dưỡng lão ưng ý nhất.
Cuối năm đó, trong một lần về nhà chơi bị ngã, cụ Đính không còn đi được nữa. Từ bấy, cụ thuê một căn phòng riêng trên tầng 3 ở viện dưỡng lão, chi phí khoảng chục triệu mỗi tháng và xem đây là nhà của mình.
Từ cô thanh niên xung phong ngày nào xông pha đồi nọ đồi kia, từ người cán bộ được mệnh danh "khét xì dầu", sau 70 năm không để cho tay chân ngơi nghỉ, nay cụ phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phụ thuộc người khác. "Có một thời gian sau khi bị ngã tôi u uất, nuối tiếc thời trẻ. Phải đến nửa năm sau tôi nhận ra sự đã rồi, có oán trách nọ kia cũng không giải quyết được, chỉ khiến con cháu thêm buồn. Ngày qua ngày tôi rèn bản thân, phải bằng lòng với hiện tại", cụ giãi bày.
"Có lần đi vào nhà vệ sinh tôi bị nhân viên y tế của một bệnh viện quát, trong lòng tức nghẹn nhưng lúc đó tôi kìm xuống. Mình phải nhớ bây giờ là đâu, mình là ai. Cuộc sống là ở hiện tại, không phải dựa trên cái đã qua. Nên tôi đã nói với cậu đó: 'Tôi là gì mà cậu quát to thế. Đứng trước cậu tôi chỉ là một bệnh nhân'...", bà cụ kể.
Cụ Đính là một trong khoảng 1.000 người cao tuổi đang sống trong 14 viện dưỡng lão tư nhân tại Hà Nội. Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số và đang nằm trong 10 nước có tốc độ già hoá nhanh nhất.
Xu hướng người già sống ở viện dưỡng lão từng được nói đến ở nhiều hội thảo gần đây. Một trong những vấn đề được mổ xẻ nhiều nhất là chính bản thân các cụ và gia đình, xã hội vẫn còn những kỳ thị với xu hướng này. "Cụ Đính là trường hợp hiếm hoi chủ động sống ở viện dưỡng lão và xem nơi đây như nhà nên thực sự tận hưởng cuộc sống, với nhu cầu lớn nhất ở tuổi này là được an toàn và khoẻ mạnh. Còn đa phần các cụ khác mang tư tưởng bắt buộc phải vào", chị Cầm Thị Huyền, chuyên viên phòng công tác xã hội viện dưỡng lão này cho hay.
Ngày cụ Đính chọn vào viện dưỡng lão, các con cái không hề muốn, một phần nghĩ sợ điều tiếng. Song họ tôn trọng quyết tâm của cụ. "Gia đình muốn đảm bảo tốt nhất sự quan tâm đến cụ, nên ngoài việc điện thoại hàng ngày, các con cháu đều đến thăm những ngày cuối tuần và lễ, Tết", Minh Hiếu, cháu đích tôn cụ Đính cho biết.
Trước đêm 30, bên hông tủ phòng cụ Đính xuất hiện một bộ áo dài màu nâu sáng, in hoa đào, được may từ một cửa hiệu nổi tiếng trên phố cổ. Sáng mùng một cụ sẽ mặc bộ này lên tầng 5 đọc kinh. Trước tiên cụ cầu sức khoẻ cho bản thân và toàn thể mọi người trong viện dưỡng lão, sau đó mới đến con cháu mình.
"Phải nhớ nhé, dù cháu là ai thì trước sau gì cũng sẽ về già. Học cách bằng lòng với hiện tại. Khi bằng lòng thì không sinh oán hận. Đời sẽ dễ sống hơn", cụ dặn.
Phan Dương