Năm 2015 tôi có dịp đi phượt bằng xe máy từ Sài Gòn xuống Cần Thơ. Mục đích của chuyến đi là thăm bạn kết hợp du lịch miền Tây. Tôi xuất phát lúc 13h00, đến cầu Cần Thơ khi mặt trời chuẩn bị tắt nắng, tôi kịp chụp cho mình bức ảnh với phông nền là cây cầu khi đứng ở bờ phía Thị xã Bình Minh của tỉnh Vĩnh Long.
Nhận phòng nhà nghỉ xong, tôi hẹn mấy người bạn đi ăn tối, họ dắt tôi đến một quán lẩu bò. Sau đó tôi trở về nhà nghỉ sớm để chuẩn bị sáng hôm sau ra chợ nổi Cái Răng chụp ảnh. Trước đó, tôi tìm hiểu và xem nhiều hình ảnh chụp chợ nổi, hy vọng cũng săn được những bức ảnh đẹp như vậy và uống ly cà phê, ăn tô hủ tíu trên sông.
Tôi làm quen với người dân xung quanh hỏi thăm đường ra chợ nổi, đi mấy giờ được... thì lạ thay, hầu như không ai cho một câu trả lời rõ ràng. Một số người bàn lùi, bảo tôi đi Thiền viện Trúc Lâm, chứ chợ nổi bây giờ lèo tèo vài chiếc ghe, xuồng bán trái cây. Thế là hôm sau tôi đi Thiền viện Trúc Lâm chứ không đi chợ nổi.
Hôm qua tôi có đọc bài viết nói rằng Cái Răng - chợ nổi lớn nhất miền Tây có nguy cơ xoá sổ vì vắng ghe, thuyền. Theo đó, lượng tàu thuyền của thương hồ tới trao đổi, mua bán nông sản ngày càng giảm, chợ nổi Cái Răng với lịch sử phát triển hơn trăm năm có nguy cơ biến mất.
Từ chuyến đi của tôi đến nay cũng gần chục năm rồi, có nghĩa là trong thời gian qua, chợ nổi vẫn hoạt động nhưng có lẽ cũng èo uột và bây giờ thì có nguy cơ xoá sổ.
Tìm hiểu lịch sử hình thành của chợ nổi, ta biết được nguyên nhân chính là do yếu tố địa lý. Địa hình miền Tây với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Hàng chục, trăm năm về trước thì giao thông đường thuỷ chiếm lợi thế lớn. Nông dân trồng trái cây, nông sản từ các vùng lân cận đó chở hàng bằng ghe, tàu rồi nhóm chợ ngay trên sông để hoạt đồng giao thương. Hễ chỗ nào đông người là có các dịch vụ bán đồ ăn, thức uống đi kèm theo. Thế là chợ nổi hình thành.
Như vậy, mục đích của chợ nổi Cái Răng là kinh tế, nơi thương hồ trao đổi buôn bán. Rồi sau này khi kinh tế phát triển, người dân có nhu cầu du lịch, họ thấy chợ nổi đông vui, nhộn nhịp nên tới tham quan. Từ đó, các công ty du lịch bán thêm tour đi chợ nổi. Như vậy, du lịch chợ nổi là giá trị phái sinh.
Ngày nay, khi mạng lưới giao thông đường bộ được xây dựng và kết nối khắp đồng bằng, vận chuyển hàng hoá bằng xe cộ vừa nhanh vừa tiện nên ít ai buôn bán trên chợ nổi. Mà chợ nổi "chìm", thưa thớt thì du khách đến đó tham quan cái gì?
Lẽ ra, khi chợ nổi dần thoái trào, thì cơ quan chức năng địa phương và ngành du lịch có thể cứu vãn bằng cách: thu hút thương nhân đến trao đổi, buôn bán bằng cách xây dựng bến tàu, bến xe dọc bờ sông; người mua bán không mặn mà thì các công ty du lịch có thể bắt tay nhau "diễn" cảnh hoạt náo trên sông...
Nói đến đây thì tôi nhận thấy, để Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung phát triển du lịch thực sự là cả một vấn đề: biển miền Tây trừ vùng Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc ra thì còn lại nước đục, bãi biển sình không tắm được, trừ An Giang - Kiên Giang thì các tỉnh còn lại không có núi đồi, tức là không có điểm nhấn phong cảnh, khí hậu nhìn chung thì nắng nóng, mưa nhiều, nhiều muỗi...
Như vậy, với điều kiện tự nhiên hạn chế, không thể cạnh tranh với các vùng khác như Đà Lạt, Vũng Tàu, Đà Nẵng... mà muốn hút khách du lịch thì con người phải xắn tay vào. Du khách đến đây thay vì ngắm cảnh thì sẽ tham gia các hoạt động trải nghiệm các sản phẩm nhân tạo như: hoạt cảnh chợ nổi, đờn ca tài tử, tour đi thuyền trải nghiệm từ Mỹ Tho đến Cần Thơ...
Rồi các hoạt động du lịch gắn với việc làm bánh, mứt, trái cây. Tôi thấy ở Thái Lan, chỉ một video chặt dừa độc lạ của một anh chàng bán rong thôi nhưng đạt mấy triệu view trên các nền tảng mạng xã hội, trong video thì cả nhóm du khách bu lấy xung quanh vừa xem, vừa quay hình...
Dư địa phát triển du lịch là vậy, nhưng cái khó là phải tổ chức sao cho thật hấp dẫn, "diễn" mà không diễn, thì mới thu hút được du khách đến.
Hữu Phong
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.