Bài viết 'Đà Lạt xô bồ vì thị hiếu du khách thấp' nhận được thảo luận của nhiều độc giả. Ở bài viết này, tác giả đưa ra luận điểm: chính sự dễ dãi của du khách đã tạo ra những sản phẩm du lịch không giống ai ở Đà Lạt. Vì người làm du lịch cũng chẳng cần đầu tư nhiều, vì một nấc thang, một tấm gương cũng đủ thu hút khác đến check-in.
Nhiều độc giả không đồng tình với quan điểm này. Độc giả có nickname trunksleessj4 so sánh gián tiếp cách làm du lịch giữa Pattaya (Thái Lan) và Nha Trang để khẳng định thứ khiến du khách chịu chi tiền là cách làm dịch vụ:
"Du khách không chi tiền là tại vì nhà đầu tư không phát triển công trình, dịch vụ thì lấy gì mà du khách chi? Tôi lấy ví dụ một du khách trung bình đến Pattaya (Thái Lan) chi trung bình nhiều hơn so với Nha Trang. Trong khi tôi có thể khẳng định xét về mặt tự nhiên thì Nha Trang bảo đảm ăn đứt Pattaya.
Nếu ai từng đến Pattaya sẽ thấy rất rõ các sản phẩm du lịch của họ đa dạng và hút khách cỡ nào: nào là các show, phố đi bộ, trong khi thứ có thể moi tiền du khách nhiều nhất ở Nha Trang chỉ là Vinpearl Land (vốn không nằm trong thành phố).
Dĩ nhiên, Nha Trang không phải là Đà Lạt nhưng đó là một phép so sánh nho nhỏ để thấy được rằng muốn du khách chi thì người làm du lịch phải có tầm nhìn, có sự sáng tạo.
Còn sở dĩ du khách không chi là vì họ thấy chẳng có gì đáng để chi".
Độc giả có nickname Iluxman đặt vấn đề: Đà Lạt đã làm gì để "moi" tiền từ du khách?
Những địa điểm tham quan (lăng Nguyễn Hữu Hào, biệt điện Trần Lệ Xuân...) thì tốn thời gian bao lâu để đi hết? Và khoảng thời gian còn lại thì phải làm gì? Bạn có tự hỏi tại sao du khách chi tiêu ít?
Khách đi du lịch thì đương nhiên chấp nhận chi tiêu. Nhưng những người làm du lịch ở Đà Lạt có đầu tư, trang bị hạ tầng, dịch vụ... cho du khách để họ sẵn sàng chi tiêu chưa?
Đà Lạt đã có sẵn đặc ân thiên phú về vị trí địa lý và thời tiết nhưng bao nhiêu năm nay bạn nêu thử xem Đà Lạt đã đầu tư những công trình, dịch vụ... thật sự chất lượng nào cho khách du lịch?
Thành phố du lịch mà không đầu tư công trình, dịch vụ, sản phẩm chất lượng thì du khách họ biết làm gì để rồi than không có tiền để... nâng cấp?
Một ví dụ đơn giản: Trước đây Bà Nà Hill có gì? Có bao nhiêu người lên nơi ngọn núi nhỏ heo hút ở xa trung tâm, có bao nhiêu người biết đến nó? Diện tích khu du lịch ở Bà Nà Hill quá nhỏ bé so với Đà Lạt nhưng họ móc hầu bao của du khách rất khá.
>> Đà Lạt luôn bị phàn nàn vì 'khác xưa'
Khách du lịch trong nước và ngoài nước đến Bà Nill Hill thì ai cũng thích, ai cũng sẵn sàng chi tiêu vì các dịch vụ du lịch đã được đầu tư đúng chất nên du khách hài lòng móc hầu bao để mua dịch vụ du lịch đó. Đơn giản thế thôi.
Không lẽ Bà Nà Hill có được như ngày nay là do trước đây (khi chưa được xây dựng, đầu tư) đã có ...nhiều khách đến đó và chi rất nhiều tiền nên Bà Nà Hill mới có được khoản tiền để đầu tư à?
Theo chia sẻ trên một trang hướng dẫn du lịch, tổng chi phí đi Đà Lạt với lịch trình khoảng 3 ngày 2 đêm sẽ tốn khoảng 2,7 đến 3 triệu đồng một người. Đây chỉ là chi phí đi lại, ăn ở và chưa tính chi phí phát sinh khác.
Theo Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng tổng lượt du khách qua lưu trú tại Đà Lạt - Lâm Đồng sáu tháng đầu năm hơn 3,1 triệu lượt, tăng 90,3% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế hơn 14,5 nghìn lượt, tăng 32% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu tập trung chủ yếu ở dịch vụ ăn uống, với 4.848 tỷ đồng.
Như vậy, dư địa để Đà Lạt "hút" tiền từ các khoản dịch vụ phát sinh ngoài ăn uống là rất lớn.
Độc giả Trường Đinh:
"Thường thì làm du lịch phải bỏ tiền đầu tư trước rồi mới lấy tiền của du khách, chứ lý luận kiểu du khách không bỏ tiền thì lấy đâu ra đầu tư thì tôi mới nghe lần đầu.
Khách lên Đà Lạt một số ít có nhiều tiền sẽ ở khách sạn hay resort 5 sao, số nhiều ở các khách sạn từ 3-4 sao, đa số các bạn trẻ chưa làm ra tiền hoặc ít tiền chọn ở homestay (loại rẻ).
Chỗ nào cũng vậy chứ không phải riêng Đà Lạt, tôi nghĩ các bạn trẻ chọn chỗ ăn ở rẻ tiền là hợp lý hợp tình, chứ ít tiền mà ở chỗ cao cấp mới là kỳ cục. Các bạn trẻ (và phụ nữ nói chung) thích chụp hình lung linh kiểu "sống ảo" cũng bình thường.
Nhà hàng cao cấp thì chỉ một số ít khách có điều kiện chọn, đa số đều ăn tại các quán ăn trung bình, ăn ngon và giá cả hợp lý. Chuyện ăn uống như vậy giống nhau ở mọi điểm du lịch trên thế giới.
>> 'Mai anh đào Thái Lan hấp dẫn hơn ở Đà Lạt'
Điểm du lịch văn hóa - lịch sử thì mỗi người chỉ đi một lần. Tôi công nhận là Đà Lạt đầu tư ít cho những điểm này, đa số bán vé cho khách đi dạo một vòng rồi về.
Các địa điểm khác thì hình như để mặc cho các đơn vị nhận thầu khai thác muốn làm gì thì làm. Nhà lồng (trồng rau, hoa) trắng bóc ở khắp nơi, các khu du lịch thì hàng quán lộn xộn... xin đừng đổ là "du khách muốn thế".
Đầu tư thế nào thì nhận được như thế, xin đừng đổ lỗi cho du khách, hãy tự hỏi sao vẫn những du khách như vậy mà các địa phương khác vẫn làm du lịch ngon lành?".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.