Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Xã hội Quốc hội diễn ra tại TP HCM, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, nói sắp tới khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ tính kỹ phương án nhận trợ cấp một lần. Ở nhiều nước vẫn cho rút BHXH một lần nhưng áp dụng từng trường hợp cụ thể, ví dụ người tham gia định cư nước ngoài, bệnh nặng... Ông Dung cho rằng cần tính phương án lao động chỉ rút phần mình đóng vào quỹ BHXH, tức 8% (so với lương), còn phần của người sử dụng lao động đóng, chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc sẻ chia.
Trước đó, tại một số cuộc giám sát của Ủy ban Xã hội Quốc hội, cơ quan BHXH một số địa phương cũng đề xuất điều chỉnh quy định mức hưởng trợ cấp một lần bằng đúng số tiền người lao động đóng vào quỹ. Phần của người sử dụng lao động sẽ được bảo lưu và cộng nối thời gian khi người lao động tiếp tục tham gia BHXH nhằm tích lũy đủ điều kiện hưởng hưu. Việc này nhằm đạt mục tiêu đảm bảo an sinh bền vững cho người dân.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội, cho rằng giữ lại phần đóng góp của chủ sử dụng lao động vào quỹ BHXH là có lợi cho người lao động và là định hướng khi sửa luật bảo hiểm, cụ thể là Điều 60. "Phương án này tốt cho người lao động chứ không phải tốt cho quỹ", ông Lợi nói. Hiện với mỗi năm tham gia BHXH, người lao động và doanh nghiệp đóng 2,64 tháng lương nhưng khi rút một lần người nhận chỉ hưởng được hai tháng.
Ông Lợi cho rằng nếu để lại khoản tiền đó vẫn còn và sẽ được cộng vào quá trình nếu họ quay lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp người lao động không quay lại thị trường và khi họ đến tuổi hưu sẽ được trả ngay trợ cấp hưu trí tầng một, tức trợ cấp xã hội (hiện nay 360.000 đồng mỗi tháng) mà không phải chờ đến 80 tuổi. Hoặc nếu người lao động chờ đến 80 tuổi, toàn bộ số tiền sẽ được trả một lần cùng với lãi đầu tư...
"Tuy nhiên đó là định hướng khi sửa luật còn hiện tại rút BHXH một lần vẫn là quyền của người tham gia", ông Lợi nói và cho rằng quan trọng vẫn phải là tuyên truyền để người lao động không rút một đồng nào và chờ hưởng lương hưu để đảm bảo tuổi già không phụ thuộc con cháu, gánh nặng cho xã hội.
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), cho rằng đề xuất giữ lại phần đóng góp của chủ sử dụng lao động khi rút BHXH một lần được đặt ra do có nhiều ý kiến nêu mức hưởng hiện nay đang cao và quá đặt nặng nguyên tắc đóng – hưởng trong khi giảm nhẹ nguyên tắc sẻ chia. Do đó, phần giữ lại sẽ bù đắp cho quỹ hưu trí, tử tuất.
"Đứng dưới góc độ đại diện cho tiếng nói của người lao động, tôi không đồng tình", ông Quảng nói và cho rằng thực tế một khi người lao động đã túng thiếu thì "rút bao nhiêu cũng sẽ chấp nhận và khi đó họ càng thiệt thòi".
Đồng quan điểm, ông Mai Đức Chính, nguyên Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nói khi đã túng thiếu thì dù được 8% hay thấp hơn, người lao động cũng sẽ rút. Tương tự hiện nay, người lao động biết nhận một lần sẽ mất 0,64 tháng lương so với số tiền đóng vào mỗi năm nhưng vẫn chấp nhận. Bởi đa phần người rút BHXH một lần có thu nhập thấp, lương không đủ sống, chẳng có tích lũy. Công nhân lại thiếu nguồn cho vay khi khó khăn nên phần lớn chỉ dựa vào "một cục tiền" bảo hiểm.
"Do đó chính sách cần đi vào bản chất, không nên nhè quyền lợi của người lao động để đánh vào", ông Chính nói. Nguyên lãnh đạo Tổng liên đoàn cho rằng cơ quan quản lý cần phải xác định rõ tiền đóng vào quỹ BHXH dù là phần đóng góp của lao động hay chủ sử dụng đều là tiền của người lao động. Do đó, họ có quyền quyết định rút ra hay để lại quỹ.
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Taekwang Vina ở Đồng Nai, cho biết mục đích giữ lại phần đóng góp của chủ doanh nghiệp là để người lao động thấy số tiền quá ít, không muốn rút. "Biện pháp hành chính này sẽ đạt được mục tiêu hạn chế nhận người nhận trợ cấp một lần nhưng có bất ổn hay không tôi chưa dám nghĩ tới", đại diện công đoàn công ty có gần 37.000 lao động nói.
Dẫn lại câu chuyện ngừng việc của hàng chục nghìn công nhân Pou Yuen 8 năm trước khi phản ứng Điều 60 Luật BHXH, ông Phúc nói luật thời điểm đó cũng tập trung giải quyết cái ngọn khi gần như cấm nhận một lần sau một năm nghỉ việc. Do đó, câu chuyện người lao động rời lưới an sinh cần phải có sự thấu hiểu nguyên nhân công nhân hay "rút một cục" để có giải pháp từ gốc chứ không phải áp dụng các biện pháp cứng rắn là hạn chế hay cấm đoán.
Theo ông Mai Đức Chính, nếu quỹ BHXH thực sự là chỗ dựa an sinh, tất cả vì người lao động thì cần tính phương án cho những người đã nhận trợ cấp một lần được đóng trở lại kèm lãi phát sinh nếu họ đến tuổi hưu nhưng lại thiếu năm đóng. "Điều này khả thi và sẽ nhận được đồng thuận cao từ người lao động hơn là giảm mức hưởng khi rút BHXH một lần", ông Chính nói. Hiện, tiền người lao động đóng góp vào quỹ BHXH được đem đi đầu tư, gửi tiết kiệm lấy lãi suất do đó nên chấp thuận cho người lao động được trả lại phần đã rút với lãi tương ứng.
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi Ủy ban Xã hội Quốc hội, năm 2021 số người được giải quyết trợ cấp một lần là hơn 1,06 triệu người, tăng hơn 77.000 người so với năm 2020. 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Tỷ lệ này ở nữ giới trên 55%, cao hơn nam giới. Tuổi của lao động rút BHXH một lần ngày càng trẻ, dưới 40, trong đó phần lớn 20-30, chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước.
Lê Tuyết