Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/6 công bố video cuộc diễn tập của Hạm đội Thái Bình Dương tại "vùng biển xa", cách căn cứ của hạm đội 4.000 km, với sự tham gia của tuần dương hạm tên lửa hạng nặng Varyag, khu trục hạm Đô đốc Shaposhnikov, hộ vệ hạm cỡ nhỏ Aldar Tsydenzhapov, Gromky và Sovershenniy.
Cuộc diễn tập nhằm "tiêu diệt nhóm tác chiến tàu sân bay của kẻ thù giả định" này được cho là diễn ra ở Thái Bình Dương, cách bang Hawaii của Mỹ 480-800 km.
Video cho thấy ít nhất một tiêm kích MiG-31BM, một máy bay tuần thám săn ngầm Tu-142MZ, hai máy bay tuần thám săn ngầm Il-38 và một máy bay tiếp liệu tham gia diễn tập. Bộ Quốc phòng Nga cho biết trực thăng chống ngầm Ka-27 cũng tham gia các hoạt động huấn luyện tác chiến.
Hai phân đội chiến hạm Nga hoạt động cách nhau hơn 480 km, một phân đội đóng vai kẻ thù. Ngoài nội dung "phát hiện, phản kích và phóng tên lửa nhằm vào nhóm tác chiến tàu sân bay giả định của đối phương", các chiến hạm Nga còn kiểm tra năng lực phòng không và chống ngầm trong đợt diễn tập.
Thông tin chi tiết về cuộc diễn tập được công bố vài ngày sau khi không quân Mỹ cho ba tiêm kích F-22 xuất kích theo yêu cầu của Cục Hàng không Liên bang, song không tiết lộ lý do.
Truyền thông Mỹ đưa tin các tiêm kích F-22 nói trên nhận lệnh ứng phó với đợt diễn tập của hạm đội Nga, gần đảo chính của quần đảo Hawaii.
Tờ Honolulu Star Advertiser cho biết tiêm kích F-22 xuất kích để "điều tra về oanh tạc cơ Nga mang tên mã Bear đang hướng về Hawaii". Mẫu oanh tạc cơ được đề cập có thể là máy bay tuần thám săn ngầm Tu-142 của hải quân Nga, được phát triển trên cơ sở Tu-95 và có nhiều điểm tương đồng với mẫu oanh tạc cơ này.
Một số ảnh vệ tinh cho thấy một số chiến hạm Nga dường như cách Honolulu khoảng 64 km, ba khu trục hạm và một tàu tuần duyên Mỹ bám sát, song truyền thông địa phương, các nhân chứng và quan chức Mỹ không đề cập tới thông tin này.
Cuộc diễn tập quy mô lớn của hải quân Nga ở Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ cùng các đối tác với Trung Quốc và Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm việc Mỹ tuyên bố sẽ triển khai tên lửa tầm trung trong khu vực sau khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 2019.
Hiệp ước INF cấm chế tạo và triển khai tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn 500-5.000 km. Nga hồi đầu năm cho biết việc Mỹ triển khai tên lửa với tầm bắn này tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực và "chắc chắn dẫn đến phản ứng từ phía Nga".
Nguyễn Tiến (Theo Drive)