Ngày 26/11, chỉ một ngày sau khi giới khoa học Nam Phi thông báo phát hiện chủng Omicron, châu Âu báo cáo ca đầu tiên nhiễm biến chủng này ở Bỉ. Trong hai ngày sau đó, hàng loạt nước như Australia, Anh, Canada, Đan Mạch, Đức, Israel, Italy và một số quốc gia khác cũng thông báo phát hiện ca nhiễm.
Nhưng các nhà khoa học Mỹ vẫn im lặng và tiếp tục tìm kiếm. Họ biết rằng Omicron đã xâm nhập nước Mỹ, một trong những tâm điểm đi lại quốc tế, nhưng chưa thể tìm ra.
"Nếu bắt đầu thấy một biến chủng xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trực giác của tôi mách bảo rằng nó đã ở đây", Taj Azarian, nhà dịch tễ học di truyền tại Đại học Central Florida, Mỹ, nói.
Gần một tuần sau, ngày 1/12, giới chức Mỹ mới thông báo các nhà khoa học đã tìm thấy biến chủng Omicron, là một người California trở về từ Nam Phi. Cho đến thời điểm đó, Canada đã xác định 6 ca nhiễm và Anh là hơn 10 ca.
Ngày 2/12, Mỹ ghi nhận thêm loạt ca nhiễm Omicron ở Minnesota, Colorado và New York, khiến các nhà khoa học tin chắc rằng nhiều ca đã "lọt lưới" và chưa được phát hiện. Câu hỏi đặt ra là tại sao hệ thống giám sát dịch tễ của Mỹ không thể phát hiện ca nhiễm Omicron sớm hơn?
Nhiều lý do có thể được đưa ra để giải thích cho sự chậm trễ này, như các biện pháp kiểm soát nhập cảnh nghiêm ngặt có thể đã ngăn biến chủng đến Mỹ sớm. Nhưng Emily Anthes, biên tập viên NY Times, cho rằng nguyên nhân còn nằm ở những điểm mù và sự chậm trễ trong hệ thống giám sát gene của Mỹ.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, các nhà khoa học đã giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm chứa virus, quá trình cho phép họ phát hiện các đột biến và xác định biến chủng có xuất hiện hay không. Khi quá trình này được thực hiện thường xuyên trên quy mô lớn, nó cho phép các nhà nghiên cứu và quan chức giám sát cách virus tiến hóa và lây lan.
Nhưng tại Mỹ, quá trình này khởi đầu rất chậm. Trong khi Anh nhanh chóng tận dụng hệ thống y tế quốc gia để khởi động chương trình giải trình tự gene chuyên sâu, Mỹ chủ yếu dựa vào phòng thí nghiệm của các trường đại học, vốn có nguồn lực hạn chế.
Ngay cả sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thành lập một đơn vị giải trình tự gene chuyên biệt vào tháng 5/2020, nỗ lực này vẫn vấp nhiều rào cản do hệ thống y tế không tập trung, thiếu đầu tư và một số thách thức khác. Hồi tháng 1, khi ca nhiễm tăng mạnh, Mỹ phân tích chưa tới 3.000 mẫu mỗi tuần, chưa bằng 1% số ca nhiễm, theo CDC.
Tình hình đã được cải thiện trong những tháng gần đây, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng tài trợ cho chương trình, cũng như mối lo ngại ngày càng lớn về các biến chủng mới. Mỹ hiện giải trình tự gene gần 88.000 mẫu mỗi tuần và 14% tất cả các mẫu xét nghiệm PCR dương tính, tiến sĩ Rochelle P. Walensky, giám đốc CDC, thông báo ngày 30/11.
Vấn đề là quá trình này tốn rất nhiều thời gian, đặc biệt khi số lượng mẫu rất lớn. Sau khi nhận mẫu bệnh phẩm, CDC thường mất 10 ngày để hoàn thành quá trình giải trình tự gene.
"Chúng tôi đã giám sát tốt về mặt số lượng", Trevor Bedford, chuyên gia về tiến hóa virus tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, nói, nhưng thêm rằng giải trình tự gene thường chậm hơn tình hình dịch thực tế khoảng hai tuần.
Ở một số bang, thời gian giải trình tự gene virus thậm chí còn lâu hơn. Sở Y tế Ohio lưu ý quá trình thu thập mẫu, xét nghiệm, giải trình tự gene và báo cáo có thể mất "ít nhất 3-4 tuần".
Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ hiện nay đã biết họ cần tìm kiếm cái gì, nên có thể đẩy nhanh tiến trình bằng cách ưu tiên các mẫu có nhiều khả năng mang biến chủng Omicron. Các phòng thí nghiệm đặc biệt ưu tiên giải trình mẫu sinh phẩm của những người mới trở về từ nước ngoài.
"Tất cả cơ quan liên quan tới giám sát gene đều ưu tiên các trường hợp liên quan tới đi lại ở nước ngoài gần đây", tiến sĩ Azarian nói.
Đây có thể là cách ca Omicron ở California được phát hiện nhanh hơn. Ca nhiễm là người trở về từ Nam Phi hôm 22/11 và bắt đầu bị ốm từ ngày 25/11. Người này nhận kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 29/11. Các nhà khoa học đã giải trình tự gene và thông báo phát hiện chủng Omicron hai ngày sau.
Dù hệ thống giải trình tự gene đã được cải thiện rất nhiều, Emily Anthes, biên tập viên NY Times, cho rằng hệ thống giám sát biến chủng của Mỹ vẫn tồn tại những "điểm mù" làm chậm quá trình phát hiện nhiều ca nhiễm mới.
"Một số bang đang bị tụt lại phía sau", Massimo Caputi, nhà virus học phân tử tại Trường Y Đại học Florida Atlantic, nói.
Hơn 90 ngày qua, bang Vermont giải trình tự gene và chia sẻ dữ liệu của khoảng 30% số ca nhiễm, trong khi bang Massachusetts khoảng 20%, theo cơ sở dữ liệu quốc tế về bộ gene virus GISAID. Sáu bang gồm Kentucky, Pennsylvania, Ohio, Nam Carolina, Alabama và Oklahoma báo cáo giải trình tự gene chưa tới 3% số ca nhiễm.
Ngoài ra, các nhà khoa học chỉ có thể giải trình tự gene các mẫu ca nhiễm được xác nhận, trong khi công tác xét nghiệm ở Mỹ được cho là còn gặp nhiều khó khăn.
"Xét nghiệm là mắt xích yếu nhất trong phản ứng với đại dịch của chúng tôi", tiến sĩ Eric Topol, người sáng lập kiêm giám đốc Viện nghiên cứu Scripps ở La Jolla, bang California, cho biết. "Vấn đề này đã tồn tại từ những ngày đầu".
Xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà, hình thức ngày càng phổ biến tại Mỹ, cũng mang đến nhiều thách thức cho những người "gác cổng dịch tễ" chuyên giám sát biến chủng.
"Nếu những người có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính không tiếp tục tiến hành xét nghiệm PCR, họ sẽ không được giải trình tự gene", Joseph Fauver, nhà dịch tễ học di truyền tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, nói. "Đây có thể là một điểm mù trong hệ thống".
Giới chuyên gia cho rằng còn có một số điểm mù khác khiến ca nhiễm không được phát hiện đầy đủ. "Có thể bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ, nên không được xét nghiệm, dẫn tới không được giải trình tự gene mẫu sinh phẩm", Janet Robishaw, phó trưởng khoa nghiên cứu tại Trường Y Đại học Florida Atlantic, nhận định.
Tiến sĩ Caputi cho rằng những lỗ hổng này có thể là lý do Omicron đang lây lan trong cộng đồng ở Mỹ. Ca cộng đồng đầu tiên là một người đàn ông đã tiêm chủng đầy đủ ở bang Minnesota, từng đến thành phố New York dự một hội thảo, không di chuyển ra nước ngoài trong thời gian gần đây. Ca còn lại ở là tại đảo Oahu, bang Hawaii, không có lịch sử đi lại gần đây, từng mắc Covid-19 nhưng chưa tiêm vaccine.
"Đây không phải là lý do để hoảng loạn, nhưng là lý do để lo lắng. Nó là lời nhắc nhở đại dịch vẫn tiếp diễn. Chúng ta cần bảo vệ bản thân bằng cách tiêm chủng, đeo khẩu trang và tránh xa chỗ đông người nhất có thể", Elizabeth Char, giám đốc Sở Y tế Hawaii, nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times)