Quyết định đưa ra khi các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung, khó tiêm phòng cho 450 triệu người theo đúng lộ trình. Một quan chức cho biết nếu muốn đàm phán mua vaccine Sputnik V, EU sẽ cần sự đồng thuận của 4 nước thành viên để khởi động tiến trình.
Trước đó, Hungary và Slovakia đã mua vaccine của Nga. Cộng hòa Czech cũng bày tỏ sự quan tâm. Italy đang xem xét sử dụng lò phản ứng sinh học lớn nhất nước này tại nhà máy ReiThera, gần thành phố Rome, để điều chế Sputnik V.
Trong khi đó, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) Kirill Dmitriev tiết lộ đã đạt được thỏa thuận với các công ty từ Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Đức để bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik V do Viện Gamaleya phát triển.
Theo ông Dmitriev, chỉ cần Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận là Sputnik V sẽ được phép cung cấp cho thị trường châu Âu. Nếu được cấp phép, Sputnik V sẽ trở thành loại vaccine Covid-19 đầu tiên không thuộc phương Tây được phê duyệt sử dụng trên 27 quốc gia toàn khối. Đây sẽ là một thắng lợi ngoại giao cho nước Nga.
Song, các cuộc đàm phán với nhà sản xuất thường kéo dài nhiều tháng trước khi đi đến thỏa thuận cung ứng. EU chưa quyết định có nên tiếp cận nhà phát triển Sputnik V sau cuộc thảo luận nội bộ về vấn đề này hay không. Dù vậy, động thái của khối cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cách nhìn nhận với vaccine Nga.
Nhiều tháng liền, EU hoài nghi về độ an toàn và hiệu quả của Sputnik V, coi vaccine là công cụ tuyên truyền, chính sách đối ngoại của Điện Kremlin. Ngày 17/2, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đặt câu hỏi về lý do Nga xuất khẩu hàng triệu liều, dù chiến dịch tiêm chủng trong nước còn chậm. Tuần trước, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel một lần nữa nghi ngờ về động cơ của Nga.
"Châu Âu sẽ không sử dụng vaccine cho các mục đích tuyên truyền", ông nói.
Tuy nhiên, vị thế của Sputnik V trong EU bắt đầu thay đổi khi hãng công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đã được bình duyệt trên tạp chí Lancet hôm 2/2, cho thấy vaccine hiệu quả 92%, cao hơn đối thủ Pfizer, Moderna hay Astrazeneca.
Hungary trở thành nước EU đầu tiên cấp phép sử dụng Sputnik V. Slovakia tuyên bố đạt thỏa thuận mua 2 triệu liều Sputnik V và đã nhận 200.000 liều đầu tiên. Berlin cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc sản xuất vaccine Nga ở Đức.
Bước ngoặt tiếp theo xảy ra vào ngày 25/2, khi Mario Draghi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh EU với tư cách là Thủ tướng mới của Italy. Cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu, người được đánh giá cao ở Brussels, có quan điểm quyết đoán về vaccine và việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Ông cho rằng EU nên mở rộng sản xuất và mua nhiều vaccine hơn, kể cả từ bên ngoài khối.
Italy đang kêu gọi chính phủ các nước xem xét Sputnik V. Tại cuộc họp của các nhà ngoại giao vào ngày 10/3, đại diện Italy thúc giục Liên minh mở rộng nguồn cung vaccine, bao gồm cả sản phẩm từ Nga. Đầu tháng 3, Bộ trưởng Y tế nước này cũng phát biểu: "Nếu có vaccine hiệu quả, được cơ quan quản lý chứng nhận an toàn, tôi không mấy quan tâm nó xuất xứ từ nước nào. Italy sẵn sàng hợp tác với chính phủ Nga".
Tuy nhiên, một số quan chức EU cho rằng Sputnik V có thể được phân phối quá muộn, bởi 1,3 tỷ liều vaccine đặt hàng trước đó từ các hãng khác sẽ tăng tốc sản xuất cuối năm nay.
Ngày 4/3, EMA đã đánh giá tổng hợp về Sputnik V. Đây là bước đầu trong quy trình phê duyệt. Vận mệnh của vaccine này tại châu Âu có thể được quyết định vào tháng 5 tới.
Thục Linh (Theo Reuters, AFP)