Đầu tháng này, Singapore đạt cột mốc mới trong cuộc chiến chống Covid-19, khi hơn 80% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ. Nhưng thay vì nhanh chóng ăn mừng "Ngày Tự do" và thả cửa hoàn toàn như Anh, chính phủ Singapore đã thận trọng cân nhắc những bước tiếp theo. Lý do là các ca nhiễm đã tăng lên vài trăm trường hợp mỗi ngày sau những nới lỏng hạn chế trước đó, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bệnh viện quá tải.
"Chúng tôi tin cần phải thận trọng hơn để tạm dừng kế hoạch và cố gắng hết sức làm giảm lây lan nhiều nhất có thể", Lawrence Wong, đồng chủ tịch nhóm chuyên trách Covid-19 của Singapore, nói trong cuộc họp báo cuối tuần trước.
Tiêm chủng rộng rãi được xem là con đường đưa cuộc sống trở lại bình thường. Nhưng đối với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, từng thành công với chiến lược kiểm soát dịch nghiêm ngặt, việc bước vào thế giới hậu tiêm chủng rất phức tạp.
Thành công trong việc ngăn chặn những đợt bùng phát lớn ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đã giúp họ ghi nhận số ca nhiễm và tử vong thấp. Điều này khuyến khích người dân tuân thủ các biện pháp hạn chế trong khi chờ đợi nguồn cung vaccine.
Hiện tại, nguồn cung vaccine ở nhiều nước đã được cải thiện. Singapore dẫn đầu khu vực về tỷ lệ tiêm chủng, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia cũng tăng tốc rất nhanh với dự kiến đạt tỷ lệ 70-80% dân số tiêm chủng vào tháng 11, bắt kịp hoặc thậm chí vượt mặt Mỹ, Anh và nhiều nước Tây Âu.
Nhật Bản và New South Wales (NSW), bang đông dân nhất của Australia, gần đây công bố lộ trình nới hạn chế khi tỷ lệ dân số tiêm chủng đầy đủ tăng, trong khi giới chức Hàn Quốc ngày càng đề cập nhiều hơn tới kế hoạch sống chung với virus.
Kế hoạch trở lại cuộc sống bình thường theo giai đoạn của các nước giàu châu Á - Thái Bình Dường trái ngược với cách mở cửa nhanh chóng của Mỹ và tương đồng hơn với cách tiếp cận của nhiều quốc gia châu Âu. Khẩu trang vẫn được sử dụng. Các cuộc tụ tập đông sẽ bị giới hạn, ngay cả với những người đã tiêm chủng đầy đủ. Giãn cách xã hội sẽ không bị loại bỏ hoàn toàn.
Mỹ đã ghi nhận khoảng 112.000 ca nhiễm trên mỗi triệu dân, Anh là 105.000 và châu Âu là 82.000, theo Our World in Data. Trong khi đó, Australia, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc báo cáo khoảng 32.000 ca trên một triệu dân.
Tỷ lệ tử vong ở bốn quốc gia châu Á cũng chỉ bằng khoảng 1/10 của Mỹ hoặc Anh. Singapore và bang Minnesota của Mỹ có dân số tương đương, nhưng quốc gia Đông Nam Á báo cáo 58 ca tử vong, trong khi số người chết vì Covid-19 ở Minnesota là gần 7.900.
Các nhà khoa học cho biết những người tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ nhập viện và tử vong vì Covid-19 thấp hơn người chưa tiêm. Nhưng với các nước châu Á - Thái Bình Dương, điều này không đủ để khiến họ lơ là cảnh giác.
"Nếu bạn mở cửa quá sớm, bạn sẽ phải đối mặt nguy cơ mọi thứ bị gián đoạn", Alexandra Martiniuk, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Đại học Sydney, nói. "Tính nhất quán thường mang lại hiệu quả".
Giới chức Sinagpore cho biết sẽ tạm dừng kế hoạch mở cửa trong ít nhất vài tuần để theo dõi xu hướng dịch và so sánh dữ liệu với các nước như Anh hay Israel, nơi có tỷ lệ nhiễm tăng mạnh sau khi nới hạn chế. Mục tiêu của giới chức Singapore là giữ tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong ở mức thấp và tránh phải tái áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa.
Singapore đã tăng cường xét nghiệm, nhưng nới lỏng yêu cầu ca F0 cách ly tập trung các cơ sở y tế, hướng tới cho phép ca Covid-19 thể nhẹ được điều trị tại nhà để giảm áp lực cho bệnh viện khi số ca nhiễm tăng. Singapore đã ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày và dự kiến tiếp tục tăng trong hai tuần tới. Tính tới 13/9, quốc gia này có 57 bệnh nhân cần thở oxy và 8 trường hợp nguy kịch.
Lộ trình mở cửa của Nhật Bản, dự kiến được thử nghiệm vào tháng tới, cho phép các nhà hàng được mở cửa lâu hơn và phục vụ rượu, trong khi sân bóng chày cũng được phép đón nhiều khán giả hơn. Người tiêm chủng cũng có thể được đi du lịch, tụ tập ăn uống theo nhóm lớn và thăm người thân ở viện dưỡng lão, những hoạt động hiện tại không được khuyến khích hoặc bị cấm.
Nhưng nếu ca nhiễm tăng, công chúng có thể sẽ lo lắng. Vào cuối tháng 8, sau một thời gian số ca nhiễm hàng ngày tăng lên khoảng 25.000, gấp ba lần đỉnh điểm trước đó, 61% người tham gia khảo sát của Fuji News Network nói họ muốn gia hạn tình trạng khẩn cấp ở các điểm nóng như Tokyo. 3/4 số người được khảo sát nói Nhật Bản nên chuẩn bị phương án phong tỏa kiểu châu Âu, với các hạn chế đi lại bắt buộc.
Bang New South Wales của Australia tuần trước cũng công bố "lộ trình tự do", trong đó nhiều hạn chế với người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ được nới lỏng vào đầu tuần tới, sau khi tỷ lệ tiêm chủng dân số đạt 70%. Những người đã tiêm chủng được phép tụ tập thành nhóm không quá 5 người, trong khi đi lại trong nước cũng được nối lại. Cửa hàng, tiệm làm tóc và phòng gym cũng có thể mở cửa nhưng phải đảm bảo giãn cách.
Nhưng giới chức cho biết lộ trình mở cửa có thể thay đổi nếu xuất hiện các đợt bùng phát lớn. "Với biến chủng Delta, chúng tôi không thể kỳ vọng rằng sẽ không còn ca nhiễm nào trên khắp Australia", Thủ hiến Gladys Berejiklian nói.
Thủ tướng Australia Scott Morrison tháng trước tái khẳng định về một chiến lược mở cửa từng bước, trong đó các hạn chế sẽ được nới lỏng khi 70% dân số từ 16 tuổi trở lên được tiêm chủng. Khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 80%, các biện pháp phong tỏa sẽ ít được áp dụng và đi lại trong nước, quốc tế dần được nối lại.
Viện Doherty, nơi nghiên cứu mô hình dịch cho kế hoạch mở cửa của chính phủ Australia, cho biết khi quan sát tình hình ở các nước dỡ bỏ tất cả hạn chế, họ nhận ra không có "ngày tự do" như nhiều người kỳ vọng.
Tại Hàn Quốc, nơi phần lớn trong số 52 triệu dân đã tiêm ít nhất một mũi và dự kiến đạt 70% tiêm hai mũi vào tháng tới, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt ở khu vực Seoul vẫn được gia hạn.
"Ngay cả khi chúng tôi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, việc quay lại cuộc sống bình thường sẽ bị trì hoãn nếu không duy trì các biện pháp phòng ngừa", Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum nói tuần trước.
Tuy nhiên, giới chức đã cho phép tăng số người được phép tụ tập theo nhóm từ 4 lên 6, với điều kiện họ đều đã tiêm chủng.
Yik-Ying Teo, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock ở Singapore, nhận định với chiến lược mở cửa theo từng bước một cách thận trọng, các nước châu Á sẽ có thể kiểm soát đợt bùng phát và ngăn chặn biến chủng khi tỷ lệ tiêm chủng tăng, dù có khả năng phải đối mặt một số làn sóng lây nhiễm.
"Cho đến khi các nước đều đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, thế giới sẽ tiếp tục cần duy trì một số biện pháp an toàn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội", ông nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)