Thẻ xanh Covid, với tên gọi khác nhau theo từng quốc gia, là tài liệu dưới dạng điện tử hoặc bản cứng giúp chủ sở hữu chứng minh bản thân đã tiêm vaccine Covid-19 hoặc đã bình phục sau khi nhiễm nCoV. Ngay cả khi chính phủ chưa ra quyết định, nhiều doanh nghiệp ở một số nước đã bắt đầu yêu cầu xuất trình thẻ xanh Covid, miễn là chính quyền địa phương không ngăn cản điều này.
Những đặc quyền dành cho người có thẻ xanh Covid khác nhau giữa các quốc gia. Đa số chấp nhận cả kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trong thời gian gần, đã tiêm một mũi vaccine, hoặc giấy chứng nhận từng mắc Covid-19 và đã bình phục.
Israel, một trong những nước triển khai chương trình tiêm chủng thành công nhất thế giới, lần đầu giới thiệu hệ thống thẻ xanh tạm thời vào đầu năm nay. Đây là một mã QR mà người dân có thể xuất trình thông qua ứng dụng trên điện thoại, hoặc in ra để chứng minh tình trạng tiêm chủng của họ, trở thành khuôn mẫu cho hệ thống của hầu hết quốc gia khác.
Thẻ xanh tại Israel được cấp cho những người trên 12 tuổi đã tiêm chủng hoặc bình phục sau khi nhiễm virus. Những người có kết quả âm tính với nCoV cũng có thể được cấp thẻ tạm thời, hiệu lực trong 72 giờ.
Người sở hữu thẻ xanh được phép tham gia các sự kiện lớn và vào những địa điểm công cộng nhất định như phòng gym, khách sạn, nhà hát, nhà hàng và quán bar, điểm du lịch và nơi thờ phụng. Quy định này càng thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng Covid-19 tại Israel, đặc biệt trong số những người trẻ tuổi.
Israel từng tạm ngừng triển khai chương trình thẻ xanh hồi tháng 6, khi hầu hết biện pháp hạn chế được dỡ bỏ nhờ số ca nhiễm giảm mạnh. Tuy nhiên, đợt bùng phát nghiêm trọng mới vì biến chủng Delta thúc đẩy chính phủ nước này tái áp dụng quy định thẻ xanh từ cuối tháng 7.
Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 7 cũng triển khai hệ thống giấy thông hành vaccine, được áp dụng tại toàn bộ 27 quốc gia thành viên cùng Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy và Liechtenstein.
Công dân tại các nước này, cùng những người cư trú hợp pháp, có thể in ra giấy hoặc xuất trình bản điện tử của giấy thông hành qua ứng dụng. Trên giấy thông hành có một mã QR duy nhất lưu trữ thông tin cá nhân về tiêm chủng, bình phục hoặc xét nghiệm.
Đối tượng được cấp bao gồm những người đã được tiêm chủng đầy đủ, gần đây nhiễm nCoV và bình phục, hoặc vừa có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Chỉ những người đã tiêm các vaccine được Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê duyệt, gồm Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson, mới được cấp chứng nhận.
Bất cứ ai sở hữu giấy thông hành đều được miễn xét nghiệm và cách ly khi di chuyển qua biên giới trong nội bộ EU, hoặc 4 nước châu Âu khác nằm trong chương trình. Hệ thống giấy thông hành này dự kiến được áp dụng tới hết tháng 6/2022.
Một số quốc gia EU còn áp dụng loại chứng nhận riêng, như thẻ y tế tại Pháp. Các rạp chiếu phim, bảo tàng, địa điểm thể thao, sự kiện hoặc nơi tập trung hơn 50 người đều bắt buộc xuất trình thẻ này đối với tất cả người trưởng thành từ đầu tháng 8 và trẻ em trên 12 tuổi từ ngày 30/9. Điều kiện cấp thẻ tương tự giấy thông hành vaccine của EU.
Italy cũng nhanh chóng theo chân Pháp, khi tuyên bố bằng chứng tiêm chủng hoặc miễn dịch sẽ sớm trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các hoạt động như dùng bữa tại chỗ, hoặc vào những địa điểm như phòng gym, bể bơi, bảo tàng và rạp chiếu phim. Giới chức cho biết số lượng đăng ký tiêm chủng thực sự đã tăng vọt sau thông báo.
Trong khi đó, Trung Quốc từ năm ngoái đã ban hành hệ thống mã QR để phân loại người dân bằng các màu sắc khác nhau. Những người được xếp vào màu xanh lá được phép di chuyển mà không phải chịu các hạn chế, trong khi người mang mã màu vàng có thể được yêu cầu tự cách ly tại nhà trong 7 ngày. Việc phân loại màu dựa trên sự kết hợp của big data và thông tin do chính người dùng cung cấp.
Thay vì giấy thông hành điện tử, hệ thống mã sức khỏe bằng màu được hiển thị trong ứng dụng WeChat này đã được Trung Quốc sử dụng để kiểm soát việc đi lại nếu người dân ở trong những khu vực dịch bùng phát.
Tuy nhiên, đến tháng 3, Trung Quốc cũng bắt đầu triển khai thẻ xanh Covid phiên bản điện tử, chứa thông tin về tình trạng tiêm chủng và kết quả xét nghiệm của chủ sở hữu, dường như chủ yếu dành cho các chuyến du lịch quốc tế.
Cả công dân Trung Quốc và người nước ngoài ở nước này đều có thể được cấp thẻ xanh Covid. Kỳ vọng được đặt ra là người Trung Quốc trong tương lai có thể sử dụng thẻ này ở các quốc gia khác. Chưa rõ Trung Quốc đang thảo luận với những nước nào để thẻ xanh Covid của họ được công nhận.
Trong khi đó, nhiều nước vẫn tỏ ra thận trọng trước chương trình thẻ xanh Covid như Mỹ. Hồi tháng 4, Nhà Trắng bác bỏ phương án này với lý do cần bảo vệ các quyền công dân và sự riêng tư. Tuy nhiên, tại một số thành phố như New Orleans, New York và San Francisco, các địa điểm như nhà hàng hoặc nhà hát vẫn yêu cầu chứng nhận tiêm chủng.
Một số bang, bao gồm California và New York, đã tạo giấy chứng nhận điện tử, giúp người dân xác nhận hồ sơ tiêm chủng và chuyển thành mã QR trên điện thoại. Nhưng hầu hết địa điểm đòi hỏi bằng chứng tiêm chủng vẫn chấp nhận các hình thức đơn giản hơn, như thẻ giấy ghi ngày tiêm do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cung cấp. Người dân thường chỉ cần xuất trình ảnh chụp thẻ này trên điện thoại là đủ.
Những người đã tiêm chủng Covid-19 tại Australia cũng được cấp giấy chứng nhận điện tử trên điện thoại thông qua ứng dụng Express Plus Medicare, nhưng không có đặc quyền nào đi kèm.
Bộ trưởng Du lịch Liên bang Australia Dan Tehan cho biết trong tương lai giấy chứng nhận này có thể giúp người dân di chuyển qua biên giới mỗi khi có lệnh phong tỏa, hoặc nếu có vài khu vực trong một bang bị phong tỏa vì dịch bệnh.
Anh, quốc gia từng tuyên bố sẽ triển khai chương trình thẻ xanh Covid vào cuối tháng này, hôm 12/9 quyết định hủy kế hoạch. Theo Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid, chính phủ không xem động thái này là cần thiết trong tình hình dịch bệnh hiện nay, khi tỷ lệ bao phủ vaccine tại Anh tương đối cao.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho hay "tiêm chủng đầy đủ sẽ là điều kiện để vào hộp đêm và những địa điểm tập trung đông người khác". Tuy nhiên, Bộ trưởng Javid cho biết ý tưởng về việc phải xuất trình giấy tờ tại các địa điểm giải trí khiến ông cảm thấy không thoải mái. Một số người phản đối thậm chí gọi việc làm này là vi phạm quyền tự do dân sự.
Tại Đông Nam Á, Campuchia trở thành một "hiện tượng tiêm chủng". Tính tới ngày 6/9, nước này đã tiêm ít nhất một liều cho 2/3 dân số, trong đó 53% đã được tiêm chủng đầy đủ. Với tỷ lệ này, tại Đông Nam Á, Campuchia chỉ xếp sau Singapore, nước đã tiêm đầy đủ cho hơn 3/4 dân số.
Campuchia cấp chứng nhận tiêm chủng cho người dân dưới dạng thẻ nhựa cứng, được sản xuất tại Viện Khoa học Y tế. Cơ sở này đã sản xuất hơn một triệu thẻ tiêm chủng và đã phát khoảng 800.000 thẻ cho người dân.
Thẻ tiêm chủng của Campuchia có họ tên bằng tiếng Khmer và tiếng Anh của người tiêm, số điện thoại, số hộ chiếu hoặc chứng minh thư, tên vaccine và ngày giờ tiêm, cũng như mã QR được in trên thẻ. Mã QR này thể hiện lịch sử đi lại và dịch tễ để cơ quan chức năng có thể dễ dàng kiểm tra, kiểm soát.
Tướng Ith Sarath, phó tổng tư lệnh quân đội Campuchia, lực lượng phụ trách một phần chiến dịch tiêm chủng của nước này, cho hay đã nhập thêm một dây chuyền sản xuất thẻ có thể in 100.000 thẻ mỗi ngày, để đảm bảo tất cả những người đã tiêm vaccine đều nhận được thẻ chứng nhận. Thẻ tiêm chủng được Campuchia phát miễn phí cho người tiêm vaccine.
Giới quan sát nhận định hiện còn quá sớm để kết luận chương trình thẻ xanh Covid có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, phương thức triển khai và diễn biến tại các nước tiên phong có thể sẽ mang lại những bài học hữu ích.
Ánh Ngọc (Theo BBC, ABC, AP)