Bộ Y tế Singapore (MOH) hôm 10/9 thông báo nước này sẽ thúc đẩy chiến lược cách ly các ca nhiễm nCoV thể nhẹ tại nhà. Theo đó, những người trẻ tuổi đã được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ, không có bệnh lý nền, sẽ tự điều trị và phục hồi tại nhà, thay vì phải đến bệnh viện hay cơ sở chữa trị tập trung kể từ ngày 15/9.
Quyết định được đưa ra sau chương trình thí điểm cho thấy kết quả khả quan. Theo Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung, phạm vi F0 được điều trị tại nhà sẽ được mở rộng dần sang những người từ 50 tuổi trở xuống không có bệnh nền nghiêm trọng, nhóm chiếm một nửa tổng số ca Covid-19 hiện nay của Singapore.
Tỷ lệ tiêm chủng cao, với khoảng 80% dân số đã được tiêm đủ liều vaccine, là tiền đề cho quyết sách này, khi độ phủ vaccine lớn giúp giảm đáng kể số trường hợp trở nặng và nguy cơ tử vong, ngay cả khi biến chủng Delta hoành hành. Dữ liệu của MOH tháng qua cho thấy trong 1.000 ca nhiễm đột phá, tức những người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn nhiễm nCoV, chỉ 7 trường hợp cần thở oxy, không có ai tử vong hoặc cần điều trị tích cực.
Hầu hết ca nCoV hiện nay tại Singapore đều nhẹ hoặc không có triệu chứng, với tải lượng virus giảm nhanh hơn nhiều so với những ca nhiễm chưa tiêm chủng, Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore (NCID) cho hay. Đây là lý do các cơ sở y tế có thể cho bệnh nhân xuất viện sớm hơn một cách an toàn.
Cùng với mức độ bao phủ vaccine cao, Singapore còn mở rộng và tăng cường xét nghiệm, biến việc này thành thói quen thường xuyên của những người lao động trở lại nơi làm việc. Các hộ gia đình cũng được cung cấp kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên và khuyến cáo thường xuyên tự xét nghiệm.
Theo phó giáo sư Alex Cook tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, sự kết hợp giữa tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cao và tích cực xét nghiệm đồng nghĩa với Singapore sẽ chứng kiến thêm ngày càng nhiều ca nhiễm đột phá thể nhẹ, nguy cơ trở nặng vô cùng thấp.
Tuy nhiên, Cook đánh giá để ứng phó những làn sóng lây nhiễm tiếp theo, Singapore cần một cách tiếp cận toàn quốc mới giúp tách biệt việc điều trị các ca nhẹ hoặc không triệu chứng với những ca bệnh nghiêm trọng.
"Chúng ta phải tập trung nguồn lực tốt nhất cho việc điều trị những người chịu tác động nặng nhất. Các ca chưa tiêm chủng sẽ nghiêm trọng hơn người đã được tiêm. Theo dữ liệu gần đây của MOH, cứ mỗi 1.000 ca nhiễm thì 45 người cần thở oxy và 8 người phải điều trị tích cực hoặc tử vong", Cook cho biết.
Hệ thống y tế Singapore hiện nay vẫn đáp ứng tốt nhu cầu điều trị ứng phó đại dịch. Bất chấp số ca nhiễm nCoV kỷ lục trong cộng đồng, số trường hợp cần điều trị tích cực hiện thấp hơn rất nhiều so với 1.000 giường chăm sóc tích cực mà Singapore đang có.
Tuy nhiên, số ca nhập viện đang tăng lên. Cook chỉ ra rằng nếu Singapore cách ly tất cả ca nhiễm nCoV trong bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên trách một cách bừa bãi, đến thời điểm số ca nhiễm mới mỗi ngày lên mức 2.000 như dự đoán, hàng chục nghìn giường điều trị có thể bị lấp kín bởi những người gần như khỏe mạnh và không cần đến chúng.
"Chúng tôi không muốn rơi vào tình huống hệ thống y tế phải chịu gánh nặng không cần thiết", Cook cho hay.
Chuyên gia này còn chỉ ra rằng từ góc nhìn cá nhân, đối với những người đã được tiêm chủng Covid-19, chỉ bị nhẹ hoặc không triệu chứng và các thành viên trong gia đình cũng đã được tiêm chủng, việc phải đến cơ sở cách ly dường như thừa thãi. "Tệ hơn nữa, quá trình cách ly khỏi gia đình kéo dài hơn một tuần còn tiềm ẩn nguy cơ ca nghi nhiễm không chấp hành các quy định xét nghiệm", Cook cảnh báo.
Tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi, biện pháp có thể khắc phục nguy cơ vaccine suy giảm hiệu quả, cũng được kỳ vọng sẽ giúp họ không phải nhập viện. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề chưa chắc chắn, như mức độ bảo vệ bổ sung của mũi tiêm này và sẽ kéo dài bao lâu. Cũng chưa rõ liệu Singapore có mở rộng đối tượng được tiêm liều vaccine thứ ba hay không.
Cách ly ca nhiễm nCoV tại bệnh viện hoặc một cơ sở tập trung là nền tảng cho chiến lược chống dịch thành công của Singapore cho đến nay, giúp kiềm chế sự lây lan của virus và tạo thời gian tiêm chủng. Tuy nhiên, khi hầu hết dân số đã được tiêm vaccine, Singapore được cho là phải chuyển hướng, bởi cách làm cũ sẽ dồn gánh nặng không cần thiết lên hệ thống y tế ngay khi số ca nhiễm tăng cao.
Thêm vào đó, dù việc siết chặt các biện pháp hạn chế sẽ giúp giảm số ca nhiễm, cái giá phải trả là quá lớn cả về mặt kinh tế và xã hội, trong bối cảnh người dân đều đã mệt mỏi vì đại dịch và tha thiết mong muốn trở lại trạng thái bình thường.
"Để ngăn chặn nguy cơ đó, chúng ta phải tiến hành xét nghiệm thường xuyên và nghiêm túc thực hiện chiến lược cách ly ca nhiễm tại nhà khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo của đại dịch", Cook kết luận.
Ánh Ngọc (Theo CNA)