"Đây là kỹ thuật vẽ 3D có nguồn gốc từ Nhật Bản, sử dụng màu acrylic vẽ trên nền epoxy resin (ES- một dạng keo trong suốt)", Đức, 35 tuổi, giải thích về những tác phẩm của mình.
Chàng trai quê lúa bước chân vào nghề vẽ ES cách đây bốn năm, sau một lần được chiêm ngưỡng những tác phẩm của một nghệ nhân người Việt.
Đoàn Anh Đức được coi là một trong số những người làm "nghề vẽ ES" khá sớm ở Việt Nam bởi thời điểm anh bắt đầu sự nghiệp, có rất ít người nắm vững được kỹ thuật này. "Lúc đầu tôi làm chỉ tò mò với kỹ thuật mới mẻ. Dần dần nó trở thành đam mê", Đức nói.
Vẽ trên ES hoàn toàn khác so với kiểu vẽ trên tường, giấy, toan hay vải... Đây là cách vẽ trên bề mặt không có độ bám dính nên cần phải vẽ chồng 6-7 lớp để tạo ra kết quả tương tự với một nét vẽ trên giấy. Việc phối màu cũng như chuyển màu đòi hỏi người làm phải rất nhẫn nại mới đạt được hiệu quả mong muốn.
Ngoài ra, ES là vẽ theo nguyên lý của giải phẫu học theo nguyên tắc kim tự tháp (lớp sau nhỏ hơn lớp trước, thu gọn cả 4 chiều) và cần nhiều lớp tương tác để tạo nên hiệu quả cuối cùng, trong khi vẽ trên các chất liệu khác đơn thuần là trên một bề mặt. Thông thường cần ít nhất 5-7 lớp để tạo hiệu ứng 3D, mỗi lớp phải vẽ cách nhau 24 tiếng. Khi vẽ trên các chất liệu mềm như vải, khẩu trang, lá khô, Đức phải xử lý "làm cứng" bằng cách quét phủ một lớp keo ES lên chất liệu cần vẽ và đợi 24 tiếng sau mới thao tác được lớp khác.
"Với những vật liệu nhỏ hoặc các vùng có tiết diện bé sẽ khó vẽ hơn nhiều. Lúc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế, nhẫn nại mới có thể cho ra đời một sản phẩm như ý", Đức chia sẻ.
Trên chất liệu này, Đức từng vẽ chim, phượng hoàng, rồng, hổ, rùa,... nhưng chủ yếu vẫn là cá và các động vật sống dưới nước do ES có màu trong suốt giống như nước.
Theo Đức, muốn sản phẩm sống động như thật cần ngắm nhìn cá bơi thật nhiều để nắm bắt dáng, bố cục, chi tiết... rồi luyện bút. Anh đã nghiên cứu vẽ hàng trăm con cá với từng loại cọ, loại màu khác nhau để ra được phương pháp đúng và đẹp nhất. Mỗi bức tranh của Đức không giống nhau từ màu sắc, bố cục, số lượng, số lớp. Vì thế mỗi sản phẩm đều là duy nhất.
Tác phẩm tiêu tốn nhiều thời gian nhất của Đức là chiếc bàn có 18 con cá Koi đang bơi cho một vị khách người Nhật. Độ khó lúc này không ở chỉ kỹ năng vẽ mà còn xử lý nguyên liệu ở khối lượng lớn. Keo ES rất đắt, chỉ chút sai sót nhỏ trong quá trình thực hiện sẽ khiến sản phẩm hỏng toàn bộ. "Con cá có 5-7 lớp, làm đúng được 4-6 lớp rồi, sai lớp cuối cũng phải làm lại từ đầu", Đức chia sẻ.
Từ khi chính thức làm nghề, chàng trai này này đã hoàn thiện khoảng 400 sản phẩm. Đó có thể là một món đồ để trưng bày hoặc làm quà tặng như bát cá, vẽ trên lá, khẩu trang, vỏ trai... có giá bán từ 500.000 đến một triệu đồng. Với những sản phẩm vừa để trang trí, vừa có công năng sử dụng như bàn trà, khay trà... giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, tùy theo chất liệu và kích thước chế tác.
Không chỉ làm nghề, Đức thường xuyên mở các buổi workshop với kinh phí thấp nhằm quảng bá loại hình nghệ thuật này tới những người chung đam mê. Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm vẽ ES tới các hội nhóm thông qua những bài viết, video hướng dẫn. Hiện Đức đang thực hiện một số tác phẩm để gây quỹ cho chương trình ủng hộ các bác sĩ và nhân viên y tế tại các điểm nóng chống dịch Covid-19.
Xem thêm những bức vẽ ES của Đoàn Anh Đức.
Hải Hiền
Ảnh: Nhân vật cung cấp