Thứ năm, 10/10/2024
Thứ tư, 14/4/2021, 10:08 (GMT+7)

Chàng trai vẽ chân dung bằng đinh và chỉ

TP HCMBằng việc quấn sợi chỉ vào những chiếc đinh được đóng đều trên khung tranh, Lê Văn Mạnh đã "vẽ" được những bức chân dung có hồn.

Trong đợt dịch Covid-19 năm ngoái, Lê Văn Mạnh, 25 tuổi, ở quận Tân Phú tình cờ biết đến thể loại tranh chỉ-đinh (Nghệ thuật từ sợi - String Art) nên bắt đầu tìm hiểu.

"Loại tranh này được tạo nên bởi một mạng lưới sợi cuốn quanh hệ thống đinh được đóng chặt trên mặt phẳng. Các đường thẳng được tạo ra khi sợi cuốn quanh hai đinh. Nhiều đường thẳng khi giao nhau và thay đổi nhiều góc độ tạo lập đường cong. Từ những đường cong sẽ tiếp tục tạo ra hình ảnh như việc chúng ta vẽ bằng chì", Mạnh cho biết.

Bằng việc đưa tranh mẫu vào máy tính xử lý bằng thuật toán Mạnh tìm ra quy luật để quấn chỉ. Người làm chỉ cần tập trung, kiên nhẫn quấn là có thể hoàn thiện bức tranh.

Với bức tranh có đường kính 40 cm, Mạnh chia đều khoảng cách trên máy tính rồi đóng 200 cây đinh xung quanh. Mỗi cây đinh sẽ tương ứng với một con số từ 1 đến 200.

Thuật toán cho ra một chuỗi các con số. Công việc còn lại của anh chỉ là quấn chỉ từ cây đinh tương ứng với con số này đến cây đinh ứng với số khác bằng một sợi chỉ duy nhất.

"Càng nhiều sợi chỉ đi qua một khu vực thì sẽ khiến khu vực đó tối hơn. Từ đó thể hiện được các sắc thái đậm nhạt, điểm nhấn trên bức tranh chân dung", Mạnh chia sẻ.

Theo tính toán của Mạnh, một bức tranh có đường kính 40cm với khoảng 3.000 lần quấn chỉ như thế này, cho phép anh được quấn sai vị trí 100 - 150 lần mà vẫn giữ được độ sắc nét của chân dung.

Ngoài phần khung gỗ, những vật liệu còn lại để làm tranh chỉ bao gồm: Đinh, chỉ, kìm để cố định đinh và búa để đóng. Bộ nguyên vật liệu này có giá khoảng 300 nghìn đồng.

Bức tranh chân dung nghệ sĩ Trấn Thành được làm trên khung đường kính 60cm với 300 cây đinh và 4.000 lần cuốn chỉ. Mạnh mất đến 12 tiếng liên tục để quấn khoảng 3.500 mét chỉ.

Những bức tranh đinh chỉ của Mạnh nếu nhìn cận cảnh sẽ chưa thấy được rõ nét. Nếu được treo lên tường, người xem đứng cách khoảng 2 mét sẽ thấy được thần thái của tấm chân dung.

Hiện tại, Mạnh tập trung làm tranh chân dung trên khung hình tròn. Với các kiểu khung khác như trái tim, khung vuông hay phối nhiều loại màu chỉ, Mạnh phải sử dụng những thuật toán khác phức tạp hơn.

"Tuy việc số hóa tìm ra quy luật đã có máy thực hiện, nhưng việc quấn chỉ lại làm thủ công, đòi hỏi người làm phải thật kiên nhẫn, tập trung. Chân dung thì không ai giống ai, nên mỗi lần hoàn thiện được một bức là một lần khám phá giới hạn bản thân, với một người không có năng khiếu về nghệ thuật như mình thì lại càng đặc biệt hơn", Mạnh cho biết.

Ngày 2/4, Mạnh được mời tham gia hướng dẫn làm tranh chỉ cho những bạn nhỏ tự kỷ nhân Ngày thế giới nhận thức chứng tự kỷ tại một ngôi trường giáo dục chuyên biệt ở quận Bình Thạnh.

"Ban đầu, mình tìm hiểu cách làm dòng tranh này đơn giản vì thấy lạ và muốn chinh phục bản thân sau những lần làm hỏng. Thời gian tới, để phổ biến dòng tranh này đến với cộng đồng, mình sẽ chọn những tranh mẫu, xử lý thuật toán để đưa ra chuỗi dãy số và cung cấp vật liệu. Người làm chỉ việc quấn chỉ theo chuỗi số là đã tự mình 'vẽ' nên một bức tranh rồi", Mạnh cho biết", Mạnh chia sẻ.

Diệp Phan