Ngày 2/12/1998, Luật Giáo dục đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thông qua. Cũng là lần đầu tiên, quy định học sinh, sinh viên ngành sư phạm, người theo học các khoá đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí. Luật này có hiệu lực bắt đầu từ năm 1999.
Chính sách này đã giúp đỡ cho những sinh viên nghèo học giỏi có điều kiện học tập và góp phần thu hút nhân tài vào ngành sư phạm. Ý nghĩa thứ hai mà nó mang lại đó là việc nhà nước được quyền điều động, sử dụng nguồn nhân lực này từ các cơ sở giáo dục. Nói dễ hiểu là một cách "đặt hàng đào tạo" của bộ cho nhóm sinh viên này.
Những mục đích cao quý trên là hoàn toàn phù hợp với tình hình Việt Nam, cũng như việc san sẻ một phần khó khăn từ sự đặc thù của nghề nghiệp. Tuy nhiên, cũng từ chính sách đó mà cũng tạo ra vô số trái ngang, từ việc điểm sàn liên tục xuống dốc, nhân lực thừa thải dẫn đến tỷ lệ theo ngành thực sự rất thấp, nguồn ngân sách hỗ trợ tăng lên làm mất tính cân bằng với các nghề nghiệp khác và mọi thứ thật sự đổ vỡ khi mà hàng loạt những bê bối diễn ra với ngành sư phạm trong thời gian gần đây.
>> Những khắc khoải về giáo dục
Vì vậy, câu chuyện có hay không, giữ hay bỏ chính sách này lại dấy lên trong lòng dư luận một lần nữa. Và rồi mọi thứ đã thay đổi, kể từ ngày 1/7 năm nay khi mà luật giáo dục năm 2019 được thông qua đã xóa bỏ hoàn toàn việc miễn học phí cho các ngành sư phạm.
Rõ ràng thời thế đã thay đổi, tư duy cục bộ cần được xóa bỏ bằng một lối nghĩ mới mẻ hơn: Đảm bảo đầu ra mới là thứ quan trọng để hút nhân tài, chứ không phải là miễn phí học phí.
Có thể nhiều người vẫn sẽ cảm thấy bây giờ chưa thích hợp vì Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo. Tuy nhiên, các sinh viên sư phạm sẽ được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ khác: miễn giảm học phí, học bổng khuyến học, trợ cấp xã hội theo quy định. Tiền đóng học phí cũng giúp mở ra sự nâng cấp của các cơ sở giáo dục. dẫn đến sự cạnh tranh từ học phí, trang thiết bị, chương trình dạy...
Biết đâu một ngày không xa sẽ có một chương trình dạy giáo viên chất lượng cao, có liên kết quốc tế thì sao nhỉ? Đó chắc chắn là có lợi cho đất nước và xã hội. Hãy chờ sự đào thải và chọn lọc từ cơ chế thị trường.
Một ngành sư phạm với tâm thế khác biệt, không bám vào chính sách và tự mình vươn lên. Đổi mới là cần thiết.
Ngô Thành Tuấn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây