Khảo sát do Trung tâm Điều tra xã hội Thanh niên kết hợp với tờ Wenjuan thực hiện dựa trên việc thăm dò ý kiến của hơn 1500 phụ huynh ở các thành phố khác nhau của Trung Quốc.
Cô Lô Phượng sống ở Thiên Tân có con đang học lớp 3 thanh mình về hành động của mình: "Đôi khi tôi bất lực vì thấy cháu không đạt tốc độ cần thiết, đặc biệt khi cháu tự lo sắp sách vở, mặc quần áo... mỗi khi đi học. Sáng nào cũng đi học trễ nên tôi đành hỗ trợ cháu". Nhưng bà mẹ này cho rằng việc hỗ trợ con của mình vẫn bình thường bởi nhiều phụ huynh khác còn sẵn sàng can thiệp vào các cuộc thi của con để trẻ có điểm số hoàn hảo.
Cô Hồ người Sơn Đông lại có cách giải thích khác. Theo cô, nhiều bài tập về nhà đúng là đánh đố trẻ con, bố mẹ không can thiệp, giúp đỡ thì trẻ chỉ có ngồi đến sáng cũng không giải nổi. Do đó, việc cha mẹ giúp con học là điều hiển nhiên.
Lưu Phong, giáo viên môn công nghệ tại một trường tiểu học ở Thượng Hải cho biết anh từng giao cho học sinh lớp 4 nhiệm vụ làm giá sách nhỏ để bàn. Kết quả là phần lớn sản phẩm được nộp đều do bố mẹ các cháu làm. Thầy giáo này sau đó đành yêu cầu học sinh làm ở lớp. Anh chia sẻ: "Một số trẻ có thể không có kỹ năng thực hành tốt như trẻ khác. Nhưng loại bài tập này để rèn luyện khả năng thực hành của trẻ, chứ không kỳ vọng trẻ có thể làm ra một sản phẩm hoàn mỹ".
Nguyên nhân nào khiến cha mẹ giúp đỡ con cái quá mức?
Trong cuộc khảo sát, hơn một nửa số phiếu trả lời cho rằng điều đó là thực dụng và xuất phát từ mục tiêu điểm số, nuông chiều con quá mức và mong muốn "bù đắp những điều tốt nhất cho con bởi hồi nhỏ tôi không có điều kiện".
Một số lý do khác được đưa ra là "mọi người đều làm như vậy, nếu tôi không giúp con mình, con sẽ tụt lại phía sau" hay "nhiệm vụ đó vượt quá khả năng của trẻ"...
Mặc dù vẫn hỗ trợ con, nhưng đa phần cha mẹ vẫn tin rằng nên để trẻ độc lập. Cô Lô, người được hỏi ở trên bày tỏ quan điểm: "Việc của con thì nên để con làm, cha mẹ can thiệp vào là trái với sự công bằng. Tôi cho rằng điều đó không có lợi cho trẻ".
Cô Hồ Hiểu, chuyên viên tư vấn của một trường đại học ở Thiên Tân, cho biết vào mỗi mùa tuyển sinh, trường luôn khuyến khích sinh viên chủ động hoàn thành thủ tục đăng ký nhập học một cách độc lập mà không nhờ đến cha mẹ. Tuy nhiên, cô chứng kiến rất nhiều phụ huynh chỉ con làm thế này, làm thế kia, đứa trẻ bối rối một chút là bố mẹ lập tức "nhảy vào làm hộ". Trong ký túc xá, nhiều phụ huynh còn giúp con trải ga giường, mền sạch sẽ mới yên tâm ra về.
Giáo viên tiểu học Lưu Phong khuyên các cha mẹ nên để trẻ tự hoàn thành nhiệm vụ của chúng, dù trẻ có thể đạt kết quả không hoàn hảo và sai sót, nhưng đây là một quá trình cần thiết cho sự trưởng thành. "Khi cha mẹ làm tốt mọi việc, điều đó đồng nghĩa với việc đứa trẻ đã bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm", Lưu nói.
Theo quan điểm của thầy Lưu, sự buông bỏ của cha mẹ là một quá trình tất yếu trong quá trình trưởng thành của con cái. Trong quá trình này, việc hướng dẫn cho trẻ sẽ có lợi hơn nhiều so với việc làm tất cả mọi thứ cho chúng.
Ông Trữ Triêu Huy, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học giáo dục Trung Quốc, nhận định: "Cha mẹ giúp đỡ quá mức đôi khi vì không nhận ra ranh giới giữa trách nhiệm của cha mẹ và nhiệm vụ của con cái".
Trong cuộc thăm dò, 34,6% phụ huynh được hỏi đề nghị cần có biện pháp trừng phạt những hành vi giúp đỡ con quá mức dẫn đến kết quả không công bằng trong học tập.
Thùy Linh (Theo Sina)