Cậu bé Mingming, 12 tuổi, ở Thượng Hải, được cha mẹ định hướng học cấp 2 ở một trường có "đẳng cấp quốc tế" tại Washington dù em đang học tại một trường quốc tế từ lớp 1 ở trong nước.
Ở Trung Quốc, học sinh phải hoàn thành chín năm học bắt buộc sau đó tham gia một cuộc thi để vào cấp 3. Hết cấp 3, các em phải ôn luyện khá vất vả cho cuộc thi "sinh tử" để vào đại học. Cha mẹ của Mingming cho rằng nếu gửi con tới Mỹ học trung học, cậu sẽ không phải đối mặt với cuộc đua thi tốt nghiệp cấp 2 và thi vào cấp 3 hay thi đại học. Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, chưa đến 60% số học sinh cấp 2 thi đỗ để được vào một trường công lập ở cấp 3.
"Giáo dục ở Trung Quốc không quá tệ nhưng quá căng thẳng đối với bọn trẻ. Tôi biết rằng con đường nào rồi cũng dẫn tới thành Rome nhưng tôi hi vọng con đường cho con trai tôi không quá hẹp", mẹ của Mingming tâm sự.
Áp lực học hành của hệ thống giáo dục Trung Quốc chỉ là một trong những lí do khiến các bậc phụ huynh nước quyết định gửi con ra nước ngoài học. Nhiều người muốn con mình có cơ hội phát triển các năng lực cá nhân chứ không chỉ học văn hóa tốt. Họ cho rằng hệ thống giáo dục cứng nhắc của Trung Quốc không giúp con mình đạt điều đó.
Chị Jia Jia có con trai là Yangyang tới Adelaide, Australia vào năm 2019 để học lớp 7. Chị cho biết, trước đó gia đình có kế hoạch gửi con đi học đại học ở nước ngoài nhưng quyết định để cậu bé xuất ngoại ngay từ trung học do thấy kể từ khi bước vào cấp 2, cậu không còn thời gian để chơi thể thao.
Trường học của Yangyang ở quận Haidian, Bắc Kinh nổi tiếng là trường chất lượng cao với bể bơi và sân bóng. Nhưng khối lượng bài tập về nhà quá lớn khiến những cơ sở vật chất này trở nên ít ý nghĩa.
"Thông tin về kết quả học tập và thứ hạng khiến chúng tôi sợ rằng cháu sẽ không thi đỗ vào trường cấp 3. Đơn giản là áp lực quá lớn", Jia kể.
Theo nhà nghiên cứu giáo dục Chu Zhaohui, việc các phụ huynh giàu có tin rằng, nếu có bằng cấp quốc tế con cái họ sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn khi về nước, cũng khiến trào lưu đi du học sớm nở rộ. Đại dịch có thể khiến xu hướng này chững lại đôi chút. Tuy nhiên, chuyên gia Chu cho rằng đây là khó khăn ngắn hạn và chỉ khoảng ba năm nữa, phong trào sẽ lại nhộn nhịp như xưa.
"Các phụ huynh có hai xu hướng: một số muốn cho con đi du học càng sớm càng tốt do áp lực ở Trung Quốc quá lớn trong khi một số khác muốn chờ và nghe ngóng tình hình dịch bệnh", Wu Dandan, một nhà môi giới du học, cho biết.
Theo kết quả một cuộc khảo sát, hơn 90% phụ huynh có thu nhập cao cho hay họ sẽ chỉ tạm dừng chứ không hủy bỏ kế hoạch cho con đi du học. Còn những bậc cha mẹ có con đang du học cho hay sẽ cho con học tiếp.
Hồi tháng 1, Bộ Giáo dục Trung Quốc tiết lộ đang xây dựng "một cơ chế để hạn chế học sinh trung học ra học tập ở nước ngoài vì các em quá nhỏ không nên sống và học tập một mình ở nước khác".
Theo chuyên gia giáo dục Chu, chính phủ Trung Quốc nên khuyến khích sử dụng lao động được đào tạo trong nước thay vì những người đi du học để ngăn chặn làn sóng các bậc phụ huynh cho con ra nước ngoài học.
"Xét cho cùng, quyết định vẫn nằm ở các gia đình sau khi cân nhắc lợi và hại của việc cho con đi du học. Vì thế tôi cho rằng sẽ không có chính sách cụ thể nào có thể khiến họ dừng kế hoạch cho con cái đi du học", ông Chu nhận xét.
Xiong Bingqi, Phó giám đốc Học viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 đặt tại Thượng Hải, cho rằng mặc dù không thể ngay lập tức ngăn cản các gia đình cho con đi du học nhưng Trung Quốc có thể tìm biện pháp để cải cách hệ thống giáo dục của mình.
Theo ông, để khiến các phụ huynh không cho con đi du học, "chính phủ cần thúc đẩy tính cá nhân hóa trong giáo dục và thay đổi cách đánh giá học sinh".
Ông cũng đưa ra một lí do khiến các phụ huynh muốn gửi con ra nước ngoài học là vấn đề hộ khẩu. "Một số học sinh không có hộ khẩu ở thành phố nơi các em sinh sống và học tập, do đó các em không được tham gia thi vào trường công cấp 3 hay đại học, do đó gia đình các em lựa chọn phương án đi du học. Do chính phủ cấm các em học ở nơi các em sống thì cớ gì mà các em không tới học ở nước khác chứ?", ông nói.
Khánh Ngọc (Theo SCMP)