Thời gian qua, dư luận Trung Quốc tỏ ra rất thất vọng và chỉ trích gay gắt một số phụ huynh "tham vọng quá đà" sau khi bị phát hiện họ đã giúp con cái giành các giải thưởng về khoa học ở nước này.
Điển hình nhất là hồi tháng 7/2020, Ban tổ chức các cuộc thi Sáng tạo, Khoa học và Công nghệ của thanh thiếu niên Trung Quốc (CASTIC) đã tước giải Ba được trao cho một học sinh tiểu học tại tỉnh Vân Nam. Học sinh này đạt giải cho công trình nghiên cứu về gen đối với bệnh ung thư đại trực tràng.
Sau đó, Ban tổ chức phát hiện ra học sinh này không thể tự tiến hành nghiên cứu này bởi kiến thức về gen là gần như bằng không. Bố của em, một chuyên gia về ung bướu tại Viện động vật học Côn Minh thừa nhận đã giúp con trai mình thực hiện nghiên cứu và gửi tâm thư xin lỗi dư luận về hành động của mình.
"Tôi đã không tuân thủ yêu cầu cơ bản của cuộc thi là nghiên cứu chỉ được phép do duy nhất chính tác giả viết nên và đã tham gia quá đà vào quá trình viết bài nghiên cứu đó", người bố viết trong lá thư. Người đàn ông cũng cầu xin dư luận bỏ qua và thông cảm cho anh đồng thời cho biết con trai anh đang phải chịu "sức ép tâm lý rất lớn".
Chưa dừng lại ở đó. dư luận Trung Quốc còn đang đặt dấu hỏi về hai học sinh tiểu học có bố là một giáo sư tại Đại học Vũ Hán và là một chuyên gia về các bệnh gan. Cách đây 2 năm, hai em này đã giành giải Ba trong cuộc thi nghiên cứu cấp quốc gia với đề tài "Các sản phẩm chiết xuất từ lá trà xanh có thể giúp chống ung thư gan".
Người cha phủ nhận đã giúp các con tiến hành nghiên cứu. Hiệp hội khoa học và công nghệ Vũ Hán khẳng định hai em học sinh đã tự đề ra ý tưởng và tiến hành nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Hiệp hội còn cho biết thêm, hai em học sinh đã được đào tạo theo đúng quy trình trước khi tự mình tiến hành các nghiên cứu. Tuy nhiên giới chuyên gia y tế cho rằng, để có được kết quả nghiên cứu đó, các em phải tiến hành các thí nghiệm rất tỉ mỉ, công phu và nhiều người không tin là các học sinh nhỏ tuổi như vậy lại có đủ khả năng làm việc này.
Gần đây, nhiều người cũng đặt câu hỏi về thành tích của một nam sinh ở tỉnh Tứ Xuyên. Em học sinh này đã giành 3 giải thưởng cho các bài nghiên cứu về vật lý, tin học và trí tuệ nhân tạo.
Đề tài nghiên cứu mới nhất của em học sinh này là "Xe hơi không người lái nhận diện tín hiệu đèn giao thông như thế nào". Theo, trang Thepaper.cn, kết quả của nghiên cứu này đem đến độ chính xác cao hơn công nghệ nhận diện tốt nhất đang được sử dụng trên thế giới hiện nay.
Một kỹ sư chuyên về lập trình của công ty xe hơi tự lái ở Thượng Hải cho rằng nếu kết quả nghiên cứu của em học sinh này là chính xác thì nó phải được đăng trên một tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.
Những vụ việc trên đã làm nổ ra một cuộc tranh luận ở Trung Quốc về "sự thật"
của những "thần đồng khoa học nhí" từng đoạt giải trong các cuộc thi. Đến nay, hầu hết các vụ việc mới chỉ dừng lại ở mức độ nghi ngờ nhưng người ta nhận ra một "quy luật chung" là những học sinh đạt giải thưởng và được gọi là "thần đồng" đều là con của các chuyên gia khoa học.
"Nếu các cơ hội nghiên cứu có thể giúp tăng cường tư duy khoa học của học sinh, vậy tại sao chúng ta không mở rộng cơ hội đó cho các em không có cha mẹ là nhà khoa học? Tiền tài trợ cho các thiết bị nghiên cứu khoa học là từ công quỹ, không phải tiền của các nhà khoa học đó", một cư dân mạng bày tỏ ý kiến của mình.
Báo chí Trung Quốc cũng có nhiều bài viết cho rằng trẻ em nên được hướng dẫn đúng cách và không được gian lận trong học thuật nếu không sẽ trở nên phản tác dụng.
Khánh Ngọc (Theo SCMP)