Vào lúc hoàng hôn, một chiếc ôtô màu trắng đậu ở tầng dưới một khu dân cư ở Hợp Phì. Sau khi tắt máy, Ngô Ân không xuống xe, một mình ngồi lặng lẽ. Sau một ngày làm việc, đây là mười lăm phút cô đặc biệt trân trọng và nó chỉ thuộc về riêng cô. Ngoài cửa sổ xe, trời tối dần, đèn đã sáng lúc nào không rõ. Nhìn khung cửa sổ nhà mình, cô không có dũng khí đi lên vì biết lúc này người cha bị ung thư giai đoạn cuối của cô đang ngồi xem TV còn mẹ ngồi cạnh buồn bã.
Ngô Ân 26 tuổi và là con một trong gia đình. Còn nhiều thứ đang chờ cô quyết định: bệnh tình của bố, kế hoạch điều trị và cả việc chọn nghĩa trang ở đâu. Cô không biết dựa vào ai lúc này, ngoài bản thân mình.
Khi đó, cô vừa tốt nghiệp đại học và trúng tuyển công chức ở Hợp Phì. Bố mẹ đã mua cho Ngô Ân một chiếc ôtô và định mua một căn nhà gần nơi làm việc của cô. Kế hoạch ban đầu là cô lập gia đình và sinh con trong vòng 3 năm. Đến khi bố mẹ nghỉ hưu sẽ đến Hợp Phì cùng giúp đỡ cô nuôi dạy con cái.
"Không lâu sau bố tôi bắt đầu sụt cân, ông bị chẩn đoán mắc ung thư", cô kể. Ngô Ân đưa bố mẹ từ quê đến Hợp Phì, một thành phố xa lạ. Cô làm việc, thuê nhà, chạy đến bệnh viện, nhờ người quen hỏi thăm bệnh tình... Cuộc sống bỗng chốc trở nên rối ren.
Cô gái biết những ngày sắp tới, cô phải chiến đấu một mình. Cha bị bệnh ba năm, ban ngày cô chạy đến bệnh viện, tối lại quay về văn phòng làm việc. Nửa đêm, đường huyết của bố giảm đột ngột, cô phải tức tốc đến bệnh viện. Ngô Ân quá sợ hãi khoảnh khắc chuông điện thoại vang lên, giống như một quả bom không đúng lúc. Trước mỗi cuộc gọi từ nhà, Ngô Ân hít thở sâu và chuẩn bị cho những tin xấu nhất. Có lần, mẹ nói qua điện thoại là bố phải ngồi xe lăn đến bệnh viện. Trong cuộc họp, vì lo lắng cho cha mình, trước mặt hơn chục đồng nghiệp, Ngô Ân bật khóc nức nở rồi cầm chìa khóa xe đi thẳng vào bệnh viện.
Nói chuyện nhà với đồng nghiệp không dễ, cô chỉ có thể trút bỏ những cảm xúc này trong nhóm dành cho khoảng 50.000 thành viên là con một trên mạng xã hội. Hồ sơ mô tả nhóm là những đứa con duy nhất trong gia đình, sinh trong những năm 1980-1990. Họ được dồn hết tình yêu thương, nhưng giờ sắp đến lúc phải phụng dưỡng cha mẹ già.
Trưởng nhóm là một người tên Lữ Tát La. Ông nội của Lữ Tát La bị bệnh Alzheimer và ông ngoại bị đột quỵ, đều cần chăm sóc lâu dài. Lữ Tát La lo lắng liệu cô có đủ khả năng để hỗ trợ bố mẹ trong tương lai không. Tháng 11/2019, cô thành lập nhóm để chia sẻ thông tin với những người con một gặp khó khăn để động viên lẫn nhau.
Bố của Ngô Ân bị ung thư tuyến tụy. Ông bán một căn nhà ở quê lo chi phí chữa trị nên không bị áp lực nhiều về tài chính. Đối với cô, khó khăn lớn nhất không phải suy kiệt thể chất và gánh nặng tài chính, mà là "không bao giờ biết khi nào tình hình sẽ tồi tệ hơn".
Một đêm sau khi cha lâm bệnh, Ngô Ân dậy đi vệ sinh và nghe thấy tiếng động lớn bên cạnh. Cha cô khóc lóc với mẹ, người mẹ ngồi bên cũng khóc, thuyết phục ông cố chịu đựng. Đó là lần đầu Ngô Ân thấy hoảng sợ. Cô chỉ biết chạy về phòng ngủ khóc thầm.
Khi Ngô Ân đứng một mình trước cửa phòng phẫu thuật, chàng trai 20 tuổi Lâm Tiểu Hải lại không thể đối mặt với bệnh tình của cha mình. Cha anh bị bệnh Alzheimer ở tuổi 49. Ông không thể tự chăm sóc bản thân.
Lâm Tiểu Hải thường nghĩ về ngày xưa. Anh là con một, từ nhỏ không ai chơi cùng và luôn tự nói một mình. Cha đồng hành trong ký ức của anh. Ông là một giáo viên cấp hai. Cuối tuần, cả hai cha con cùng đi công viên. Một mình đứa trẻ cầm vé vào chơi, còn cha đứng ngoài hút thuốc. Buổi tối mùa hè, cha chở cậu bé đi bơi bằng xe đạp, sau đó mua cho con một cây kem. Trên đường về nhà, đứa trẻ ngủ gục trên thanh ngang xe đạp của cha. "Cha đồng hành cùng tôi khi còn nhỏ nhưng giờ ngược lại", anh nói.
Cha Lâm Tiểu Hải phát hiện mắc bệnh khi anh học năm nhất đại học. Kỳ nghỉ đông năm đó, mẹ đưa cha ra nhà ga đón. Sau khi Tiểu Hải xuống tàu, anh thoáng nhìn thấy bà: tóc bạc nhiều, quầng mắt thâm rộng, da má xệ xuống. Cha anh đứng bên, đôi mắt đờ đẫn và uể oải. Lần đầu tiên Tiểu Hải nhận ra cha mẹ già đi quá nhanh.
Lâm Tiểu Hải không muốn về nhà trong suốt hai năm cha vừa ốm. Chàng trai đi chơi với bạn cùng lớp, uống rượu và xem phim "không để cho mình sống trong thực tế". Vào một buổi sáng, cha của Lâm bị lạc khi xuống nhà lấy báo. Đó là ngày đầu tiên anh học cao học, nhưng Tiểu Hải đã tìm kiếm cha mình khắp thành phố. Người cha được tìm thấy khi đang ngồi bên lề đường, ánh mắt sợ hãi, cơ thể lấm lem. Ông nhận ra con trai trong đám đông. "Ánh mắt đó có cảm giác như không thể nhận ra cả thế giới nhưng nhận ra tôi", Tiểu Hải nhớ lại. Nghĩ đến ý nghĩ từ bỏ cha mình lúc đầu, nỗi ăn năn dày vò.
"Nếu có anh chị em, có lẽ tôi đã không vướng bận như vậy", chàng trai nói. "Tuổi thơ tôi được hưởng mọi thứ, có nghĩa giờ trách nhiệm tôi phải gánh là 100%", anh nói.
Trong 3 năm cha bị căn bệnh ung thư hành hạ, Ngô Ân lập gia đình. Bố cô phải trải qua hai lần phẫu thuật. Khi cha cô đã khá hơn, họ ngay lập tức mua một căn nhà ở Hợp Phì, cách nơi cô làm việc chưa đầy 10 phút. Ông không muốn con gái mình sống trong một căn nhà cho thuê. Đến giây phút cuối cùng, ông vẫn nghĩ về con gái.
Khi đó Ngô Ân đang mang thai bốn tháng và bị ốm nghén, ông lo con gái sẽ buồn và không cho con đến gặp mình lần cuối. Ông cũng không cho con đến dự đám tang. Chính chồng là người thay Ngô Ân hỏa táng, tiếp khách. Vì việc này mà cô luôn biết ơn gia đình chồng.
Ngô Ân rất nhớ cha. "Nếu cha còn, có lẽ có thể cùng mẹ thích ứng tuổi già". Trước đây, mỗi khi mẹ tức giận, cha cô lại làm bà vui vẻ. Nhưng giờ trên đời bà chỉ còn một đứa con gái. Là con một, cô ý thức về vai trò của mình từ khi còn nhỏ, cô không đi làm xa, không chơi những trò mạo hiểm. "Nếu không có chính sách một con này, tôi đã không được học hành đến nơi đến chốn và có điều kiện vật chất tốt như vậy. Chưa nói đến việc mua xe, nhà ngay khi ra trường", Ngô Ân nói. Nhưng bây giờ, khi không thể lường hết được khó khăn, cô lại ước có một đứa em gái để cùng lo cho mẹ.
Trong nhóm, nhiều người cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc của cha mẹ vào mình. Một số người khuyến khích cha mẹ họ đi học. Những người khác muốn giúp các bà mẹ đã nghỉ hưu có công việc thứ hai. Một nhóm khác quan tâm đến sức khỏe, đưa cho cha mẹ thẻ tập thể dục để giảm cân...
Cha mẹ ngày càng già đi. Sự hoang mang và lo sợ bị bỏ rơi khiến họ đối xử với đứa con duy nhất theo nhiều cách khác nhau. Trong nhóm của Lữ Tát La, một số thành viên nói cha mẹ đã thể hiện rất rõ sự khủng hoảng vì sợ tuổi già sắp ập đến. Một thành viên của nhóm, bắt đầu học cấp hai, liên tục bị mẹ nhắc nhở: "Tương lai mẹ sẽ dựa dẫm vào con". Những đứa trẻ có mẹ đơn thân, người mẹ nửa đùa nửa thật: "Sau này gửi thẳng mẹ vào viện dưỡng lão. Mẹ sẽ không trở thành gánh nặng cho con".
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Dân số năm 2018, cả Trung Quốc có hơn 29.000 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, với 7,3 triệu giường, chỉ chiếm 3,1% tổng số cao niên cả nước. Hơn 90% người cao tuổi chỉ có thể sống tại nhà.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu dân số và phát triển của Đại học Nhân dân Trung Quốc, số con một ở nông thôn Trung Quốc vào năm 2000 là 33 triệu - 43 triệu. Trong số gần 1.300 bài đăng của nhóm của những đứa con một, chỉ có 10 bài đăng là người nông thôn. Câu hỏi nhiều nhất là: Bố mẹ không có lương hưu, và bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm duy nhất. Tôi nên làm gì với lương hưu trong tương lai?
Theo dự báo của Bộ Nội vụ, dân số già Trung Quốc sẽ vượt quá 300 triệu người trong 5 năm tới.
Mẹ Ngô Ân ngày càng nhiều tuổi. Bà nói với con gái "con ở gần mẹ mới yên tâm". Là con gái duy nhất, cô nghĩ một ngày sẽ đưa mẹ về sống cùng, nhưng "trong lòng thật sự không muốn".
Nhật Minh (theo thepaper)