Sáng sớm thứ 7 se lạnh, một đám đông tụ tập bên ngoài cổng của một trường tiểu học ở trung tâm Thượng Hải. Trẻ em tràn vào phòng thi, trong khi giáo viên cố gắng giữ trật tự, còn phụ huynh chen lấn để khích lệ con. Chỉ có một bé gái, mặc một chiếc áo khoác dày màu đỏ, không vào. Em bám vào tay mẹ khóc lóc. Người mẹ cố gắng an ủi. "Nếu không kịp, chúng ta sẽ thi lần sau". Tuy nhiên, bé gái dường như không mấy thoải mái trước những đảm bảo này.
Các bạn của em sẽ bước vào kỳ thi KET (Key English Test) - một kỳ thi tiếng Anh do tổ chức Anh ngữ Cambridge của Anh tổ chức đã trở nên vô cùng phổ biến ở Trung Quốc, với các bậc phụ huynh coi điểm thi tốt là chìa khóa để đưa con họ vào trường top đầu. Nhưng chỉ vài phút trước giờ thi, gia đình bé nhận ra quên mang theo thẻ căn cước của con gái. Người cha đã phóng xe về lấy. Nếu anh không quay lại kịp, không biết lúc nào cô bé có cơ hội thi tiếp.
Tại các đô thị lớn của Trung Quốc, phụ huynh phải trả tới 5.000 tệ (khoảng 18 triệu đồng) để đảm bảo một suất thi, hoặc không, sẽ phải lái xe hàng trăm km ra thành phố nhỏ hơn để thi. Gia đình bé gái trên "đặc biệt may mắn" khi được đăng ký thi tại đây, bởi trong số hàng nghìn học sinh đăng ký, chỉ có vài trăm trẻ được thi.
Cuộc đua giành chứng chỉ tiếng Anh Cambridge là "hội chứng" mới của các "cha mẹ hổ" ở các thành phố lớn Trung Quốc. Các gia đình phải xây dựng lộ trình học tập cho con nên từ khi 3 tuổi những đứa trẻ đã vào lò luyện tiếng Anh. Tới trước khi vào lớp Một, nhiều bé đã tham gia kỳ thi KET - một kỳ thi thường yêu cầu hàng trăm giờ học ngoại ngữ.
Xu hướng này đã biến đào tạo tiếng Anh thành một thị trường béo bở ở Trung Quốc, dự đoán trị giá 75 tỷ USD vào năm 2022. Đối với các bậc cha mẹ, chi phí chuẩn bị cho con cái tham gia các kỳ thi tiếng Anh Cambridge có thể rất lớn.
"Học phí mỗi giờ là 680 tệ. Mỗi tuần học 2-3 buổi, kéo dài sáu tháng trước kỳ thi. Các bậc phụ huynh ở Thượng Hải rất hào phóng khi chi trả", Wu Xingyu, giám đốc một công ty đào tạo tiếng Anh cho biết.
Các nhà chức trách Trung Quốc ngày càng lo ngại về cuộc đua giáo dục của phụ huynh nên vài năm gần đây đã thực hiện một số biện pháp nhằm giảm áp lực cho học sinh. Đến nay hầu hết các cuộc thi đã bị cấm. Tuy nhiên, cấm chỗ này, các bậc phụ huynh đất nước tỷ dân làm đầu tư chỗ khác, miễn con họ có một khởi đầu thuận lợi. Chính điều này dẫn đến nhu cầu về chứng chỉ tiếng Anh Cambridge vượt khỏi tầm kiểm soát. "Các kỳ thi Cambridge đã trở nên phổ biến ở đây chỉ trong hai năm qua. Những bài thi này gây ra sự điên cuồng của nhiều bậc cha mẹ", Wu nói.
Caroline Zhang, một người mẹ ở Thượng Hải cho biết, cô đã khuyến khích con gái tham gia kỳ thi PET (Preliminary English Test) khi con học lớp 4. Vào thời điểm đó, 1/3 bạn học của bé có chứng chỉ này. "Thật là thảm hại, nhưng nhiều bậc cha mẹ đang đua nhau. Chứng chỉ sẽ có lợi khi đăng ký vào một trường trung học tư thục tốt", Zhang nói.
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn kiểu học một sớm một chiều này bằng cách buộc các trường tư thục chọn học sinh bằng cách rút thăm ngẫu nhiên. Nhưng quy định mới có hiệu lực trong năm nay đã không làm giảm nhu cầu về các bằng cấp bổ sung như chứng chỉ tiếng Anh Cambridge.
"Theo nhiều cách, các chứng chỉ vẫn có thể hữu ích. Một số trường tách học sinh thành các lớp khác nhau theo trình độ. Ngoài ra, ba trường trung học cơ sở công lập tốt nhất của Thượng Hải có thể tiếp tục nhận học sinh dựa trên các cuộc phỏng vấn và như vậy các chứng chỉ rất lợi thế", Wu nói.
Mùa đông năm nay, cuộc chiến giành địa điểm thi Cambridge English thậm chí còn khốc liệt hơn bình thường, vì vẫn còn tồn đọng những thí sinh không thể tham gia vào tháng 4 và tháng 5 do Covid-19. Để được tham gia kỳ thi tháng 12 này, từ 8h sáng một ngày tháng 10, các bậc phụ huynh đã có mặt ở điểm đăng ký đặt tại một quán cà phê internet để thuê máy tính. Tận cuối ngày hôm đó cổng thi mới mở, song đã hệ thống bị sập trong vòng vài phút do lưu lượng truy cập tăng vọt.
Trung tâm thành phố quá tải, nhiều gia đình đã lái xe ra các vùng ngoại ô. Trên Weibo, một bà mẹ cho biết hai mẹ con cô đã đi từ Bắc Kinh đến Thiên Tân từ 4 giờ sáng ngày 19/12 để tham gia kỳ thi KET. Khi đến nơi, cô thấy trường đông đáng lo ngại. "Có thể đã có một vụ giẫm đạp. 80% số dự thi ở Thiên Tân hôm đó là đến từ Bắc Kinh", cô nói.
Cô Zhang ở Thượng Hải cho biết, từ hai năm trước đã trả 500 tệ cho con thi nhưng không được. Sau khi thử nhiều cách, Zhang quyết định chọn một điểm thi ở Hợp Phì - cách nhà hơn 450 km.
Kỳ thi này được thiết kế cho các bé từ lớp 3 trở lên, song có rất nhiều bé ít tuổi hơn. Một bà mẹ họ Han ở Giang Tô cho biết đã cho con gái 6 tuổi thi KET vào năm 2019. "Con tôi đã đạt điểm xuất sắc. Nhưng thành thật mà nói, tôi không biết điều đó có thể giúp con tôi vào được trường cấp hai tốt sau 4 năm nữa không. Các chính sách liên tục thay đổi".
Đối với Han, việc giữ vị trí đứng đầu con rất căng thẳng, song nỗi lo con tụt hạng lại là động lực cho chị đi tiếp. "Đôi khi tôi nghĩ đến việc từ bỏ - tôi muốn cho bản thân một giây phút bình yên và con gái tôi có một tuổi thơ hạnh phúc. Nhưng những suy nghĩ như vậy biến mất nhanh chóng. Sau khi tôi nhìn thấy những gì đang xảy ra xung quanh, tôi sẽ nhanh chóng quay trở lại 'mặt đất'", cô nói.
Còn cô bé áo đỏ, đang nước mắt ngắn dài trước cổng trường, cuối cùng bố em đã xuất hiện với thẻ căn cưới, chỉ 5 phút trước lúc cổng trường đóng lại. Cô bé lao vào phòng thi, bố mẹ em thở phào nhẹ nhõm...
Bảo Nhiên (Theo Sixthtone)