Với tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, mạng xã hội đóng một vai trò lớn, không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người. Các ứng dụng Zalo, Facebook, Instagram, Gmail đã và đang dần trở thành phương tiện liên lạc để phục vụ cho công việc từ xa. Nhưng cũng từ đó, các vấn nạn tấn công, đánh cắp thông tin cá nhân dần một trở nên phổ biến và đáng báo động. Nạn nhân của những vụ việc này có thể là những người nổi tiếng, những gương mặt quen thuộc với công chúng hoặc thậm chí chỉ là một nhân viên văn phòng hoặc một sinh viên, học sinh bình thường.
Thông thường, người Việt thường ít quan tâm đến những hệ lụy khôn lường từ hành vi này. Khi bị hack tài khoản, nhiều người chỉ tặc lưỡi cho qua, hoặc lập một tài khoản mới để thay thế. Nhưng có bao giờ bạn thử nhìn nhận khác đi, rằng những trang mạng xã hội đó còn có thể tấn công vào cả những tư liệu mật trong thiết bị chúng ta, bao gồm cả hình ảnh, thông tin, dữ liệu cá nhân mà bạn chưa từng chia sẻ với ai?
Chính sách bảo mật của Google thường hiện ra cho người dùng ngay khi họ vừa hoàn thành việc đăng ký thông tin tài khoản. Tuy nhiên, đa số người dùng thường bỏ qua việc đọc kỹ điều khoản cấp "quyền riêng tư" cho đơn vị cung cấp vì cho rằng những thông tin như họ tên, ngày sinh, giới tính và số điện thoại... chẳng quá quan trọng, không thể làm hại bất kỳ ai. Nhưng chính tại lúc đó, chúng ta đang vô tình trao cho các ứng dụng quyền truy cập vào danh bạ, truy cập vào tin nhắn thiết bị và kể cả quyền định vị thiết bị ta đang sử dụng. Nói cụ thể hơn, mọi thông tin mật, tin nhắn riêng tư hay các dữ liệu nội bộ cho công việc của bạn đều đã được cáp phép truy cập từ xa một cách dễ dàng.
Tất nhiên, hầu hết các ứng dụng đều cam kết bảo mật thông tin cho bạn. Nhưng nếu một cá nhân nào đó sử dụng đây làm cầu nối để lấy cắp thông tin cá nhân người dùng, thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác. Chỉ cần gắn một địa chỉ IMAP (như hòm mail Outlook, điện thoại iPhone) ở trạng thái "Ẩn danh" là kẻ gian có thể cập nhật và chia sẻ các thông tin người dùng đang sử dụng một cách dễ dàng. Và việc hack tài khoản Facebook cũng đồng nghĩa với việc họ đã có được các thông tin email của người dùng để có thể dễ dàng thực hiện các hành vi trên.
>> Người dùng tự 'nộp mình' cho Facebook như thế nào
Một mạng xã hội khác là Zalo có thể sẽ được tin dùng hơn vì khả năng bảo mật hai lớp mỗi lần đăng nhập trên các thiết bị. Nhưng việc đánh cắp thông tin trên Zalo thực chất dễ hơn những gì bạn tưởng. Chỉ cần quyền truy cập mã QR trên Zalo còn tồn tại, tất cả thông tin của bạn đều có thể bị truy cập. Ngoài ra, một trong những ứng dụng như Google Home cũng có thể làm một thiết bị để theo dõi các thao tác của bạn trên điện thoại hoặc cuộc sống cá nhân của người dùng. Từ đó, kẻ xấu dễ dàng nắm rõ các mật khẩu cũng như hành vi của bạn trong cuộc sống hàng ngày.
Kể cả các hệ điều hành cũng có thể dễ dàng bị truy cập từ xa. Hãy lấy hệ điều hành Android làm một ví dụ. Các kẻ đánh cắp thông tin sẽ dễ dàng xâm nhập và cài vào trong máy người sử dụng các phần mềm độc để truy cập vào mục "Cấp quyền cho phép" trên điện thoại di động. Một khi thao tác xong, việc điều khiển điện thoại của bạn từ xa chỉ là một chuyện dễ dàng trong tầm tay của chúng.
Trong thời đại công nghệ số ngày một phát triển, câu chuyện bảo vệ thông tin và quyền lợi người dùng ngày một trở nên cấp thiết. Không chỉ để phòng tránh những hành vi đánh cắp thông tin, mà còn giúp người dùng biết cách giải quyết, xử lý và cẩn trọng hơn trong việc cấp quyền truy cập thông tin cá nhân trên các trang mạng - điều vốn bị hầu hết chúng ta bỏ qua. Những công cụ nhỏ như Java hoặc Cookies cũng là một "vũ khí" nhưng chủ nhân của các vũ khí đó là ai đều tùy thuộc vào một cú click chuột của bản thân người dùng. Đã đến lúc người Việt cần nâng cao hiểu biết, lựa chọn khôn ngoan, để tránh rơi vào các cạm bẫy của những kẻ xấu trên mạng.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.