Mới đây, một lãnh đạo hàng đầu của Facebook cho rằng người dùng phải chịu trách nhiệm về vấn nạn tin giả trên mạng, chứ không phải các công ty công nghệ. Cụ thể, người này nhấn mạnh: "Người dùng cá nhân có quyền lựa chọn tin hoặc không tin điều gì đó. Họ chính là người quyết định chia sẻ hay không chia sẻ thông tin. Facebook không có đủ năng lực để đánh giá điều gì là thực sự chính xác nhằm hạn chế khả năng phát tán tin giả".
Đồng tình với quan điểm này, độc giả Tran Hung cho rằng: "Rất khó quy trách nhiệm cho Facebook trong việc phát tán tin giả. Lấy một ví dụ, một cửa hàng bán dao làm bếp, nhưng người mua dao đó về dùng để gây án thì liệu cửa hàng đó có phải chịu trách nhiệm? Facebook cung cấp dịch vụ mạng xã hội với các tính năng post bài, chia sẻ, tạo nhóm... cũng như cửa hàng bán ra con dao làm bếp với tính năng cắt, chặt, thái... đồ ăn. Việc người mua về dùng đúng mục đích hay làm việc xấu thì cửa hàng làm sao biết được? Nếu người dùng Facebook gửi hoặc chia sẻ một tin tức nào đó, bản thân Facebook cũng rất khó xác định đó là tin giả hay thật.
Khi người dùng thực hiện hành vi thì rất khó để biết được là đúng - sai, thật - giả. Ví dụ bạn đăng một bài viết với nội dung là "hôm nay tôi bị ốm", Facebook làm sao biết được thông tin đó là thật hay giả? Ngoài những nội dung riêng tư trên, có nhiều thứ AI tốt đến mấy cũng khó mà phân biệt được. Lấy một ví dụ khác, một nhà mạng cung cấp dịch vụ đường truyền Internet, khách hàng dùng đường truyền đó để thực hiện hack, phạm tội thay vì lướt web, vậy nhà mạng có phải chịu trách nhiệm?".
Mạng xã hội lớn nhất thế giới từng nhiều lần bị chỉ trích hỗ trợ phát tán thông tin giả về sức khỏe, phủ nhận sự ấm lên toàn cầu và cáo buộc gian lận trong bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Một số nghiên cứu cho thấy tin giả từ các tổ chức cực hữu thường thu hút nhiều tương tác hơn các nguồn khác.
Với quan điểm trái chiều về câu chuyện này, bạn đọc Tiến sỹ Gàn cho rằng Facebook cần chịu trách nhiệm khi không thể kiểm soát tin giả: "Bản thân tin giả đã được xác định là sai ngay từ đầu, chứ không giống như một con dao có những mặt hữu dụng riêng. Nói cách khác, một thứ giả dối ngay trong giá trị nội tại của nó, còn một cái là thực chất, chỉ có mục đích sử dụng là khác nhau. Việc để tin giả tràn lan không tránh khỏi liên đới trách nhiệm của đơn vị cho phép nó được lan truyền, chính là Facebook.
Ngay từ đầu, có thể Facebook không biết đó là tin giả. Nhưng trong một thời gian sau, qua những cảnh báo, khiếu nại của các thành viên trong cộng đồng người sử dụng, sự thật sẽ lộ ra. Đấy là lúc đơn vị quản lý nền tảng phải vào cuộc xử lý để tin giả, chặn đứng chúng, chứ không thể ngoảnh mặt làm ngơ để nó lan tràn rộng thêm.
Nếu ai cho rằng lượng tin giả quá lớn, người quản lý Facebook làm không xuể, thì tôi hoàn toàn phản đối. Anh đã xây dựng nền tảng cho cả tỷ người dùng, và kiếm lợi khổng lồ từ họ, thì anh phải đảm bảo có đủ kỹ năng, nhân lực, thuật toán... để quản lý dữ liệu. Còn nếu không thể quản lý nổi, anh buộc phải thu hẹp lại quy mô cho tương xứng. Facebook là một mạng xã hội lớn nhất thế giới, ảnh hưởng rất sâu rộng đến cả thế giới, nên càng cần phải quan tâm đến vấn đề đạo đức. Tiếc thay, nhiều vụ việc vừa qua đã cho thấy, họ coi nhẹ yếu tố này.
Với các bài đăng trên Facebook, mạng xã hội này hoàn toàn có quyền kiểm soát vì đó là nền tảng của họ. Bất cứ ngường dùng nào cũng phải tuân thủ các điều khoản do Facebook đưa ra, nếu không sẽ bị xóa, ẩn bài hoặc đánh dấu cảnh báo. Đấy chính là sự kiểm duyệt, không phải ai thích đăng gì thì đăng. Có điều, Facebook đã nhắm mắt cho nhiều tiêu cực nếu chỉ vì lợi ích cá nhân.
Facebook có thể khó xác định thật - giả ngay từ đầu, nhưng họ có một khối lượng thông tin, nhân viên, hợp tác viên, công nghệ khổng lồ. Đó lẽ ra phải là lúc họ hành động để làm sạch nền tảng của mình thay vì để mặc rồi đổ trách nhiệm cho người sử dụng".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.