Khoảng mười năm trước, khi Facebook hay YouTube chưa phải là vấn đề nổi cộm như hiện nay, loại website phổ biến mà nhiều người hay truy cập là các forum (diễn đàn) mua bán và các trang tổng hợp tin tức, đọc báo giùm bạn... Tới nay, chúng không còn nhiều vì Facebook và YouTube đủ sức đáp ứng cả hai nhu cầu trên.
Mức sống được cải thiện, tốc độ Internet đã tốt hơn giúp chúng ta tiếp cận thông tin trên mạng dễ dàng hơn. Nhưng trong khi một số ít hưởng lợi từ Internet, nhờ các kênh mua sắm online hay các khóa học trực tuyến, kết nối với các nhóm chuyên gia, số còn lại lãnh đủ hậu quả từ mảng tối của Internet bao gồm tin bẩn, lừa đảo tiền và tình, trở thành công cụ câu like, câu view hoặc dính vào những "phong trào" vô bổ như anti-fan.
Về bản chất, các mạng xã hội đều tốt đẹp. Facebook đầu tiên được tạo ra để kết nối bạn bè ở trường đại học. YouTube muốn đem lại thông tin theo dạng video thay vì văn bản. Tuy nhiên, vì sức ép kiếm tiền mà các mạng xã hội phải chạy theo quảng cáo và tìm kiếm nguồn nội dung từ chính người dùng. Từ đó, đủ loại nội dung xấu được đưa lên.
Dân trí còn tương đối thấp, tiếng Anh vẫn còn là một trong những tâm điểm khi bàn các chủ đề về sự nghiệp, học hành, nên có rất nhiều thông tin, website hữu ích bằng tiếng Anh nhưng chúng ta không thể tiếp cận, thậm chí không thể tìm ra. Bởi dù Google có thể cung cấp đầy đủ thông tin, nhưng cái mà dân văn phòng, người đi làm vẫn hay hỏi lẫn nhau là "keyword" (từ khóa) nào để nhập vào Google - họ không có đủ khả năng tiếng Anh để chọn ra keyword phù hợp.
Ngoài tin tức, các nội dung số có giá trị đều phải trả tiền. Các khóa học online phải qua các website giáo dục và trả tiền từ 100.000 đồng đến hai triệu đồng. Chính bởi sự hạn chế về khả năng và cách tiếp cận, không biết cách chọn lọc các nguồn nội dung có giá trị, nhiều người quay sang Facebook, YouTube và bị chúng cuốn vào.
>> Nhận ra Facebook không quan trọng sau khi xóa
Chúng ta được khuyên dùng Internet để truy cập thông tin theo đúng nghĩa là các nội dung có lợi cho bản thân, nhưng đang có khá nhiều người giới hạn không gian Internet của mình trong một khoảng nhỏ hẹp mà họ gọi là "lên mạng" - thông qua Facebook, YouTube và một số app (ứng dụng) khác.
Một ví dụ cho thấy sự khác thường trong nhu cầu sử dụng Internet là Twitter. Nội dung trên Twitter không mang tính giải trí nhiều bởi giới hạn về độ dài, nên gần như người Việt ít dùng.
Có lẽ mỗi chúng ta phải thẳng thắn nhìn lại nhu cầu (cần) và sở thích (muốn) thông tin của mình, để sử dụng không gian mạng một cách tỉnh táo nhất.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.