Trong cuộc phỏng vấn với Next Web được công bố ngày 21/12, giáo sư Max Tegmark thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cảnh báo viễn cảnh thảm khốc khi robot kiểu quân sự được sử dụng trong tương lai.
Tegmark nhận định khi quân đội các nước phát triển thành công robot sát thủ trên chiến trường, các cá nhân, tổ chức dân sự không sớm thì muộn sẽ có thể tiếp cận loại khí tài này, giống như nhiều loại vũ khí quân dụng khác.
"Khi rơi vào tay tội phạm, ví dụ các băng đảng ma túy, robot sát thủ có thể trở thành công cụ giá rẻ, gần như không thể ngăn chặn để giúp chúng thực hiện các vụ ám sát", Tegmark nói. "Các chính phủ cần vào cuộc ngay trước khi viễn cảnh hỗn loạn này thành hiện thực".
Tegmark nhận định nếu mua được robot sát thủ với giá tương đương súng trường AK-47, các băng đảng ma túy sẽ sử dụng rộng rãi loại khí tài này vì "thủ phạm sẽ không bị bắt sau khi sát hại ai đó".
"Chúng có khả năng xuyên thủng các lớp phòng thủ cao hơn nhiều. Dù thẩm phán có nhiều vệ sĩ, máy bay không người lái (UAV) sát thủ có thể bay qua cửa sổ phòng ngủ và sát hại họ. Năng lực của khí tài này có thể vượt xa hơn nữa", Tegmark nói.
Tegmark cho biết "điều không may" là các lãnh đạo thế giới chưa được tận mắt chứng kiến robot có khả năng tự động hạ sát mục tiêu.
Trong cuộc họp tại Genava, Thụy Sĩ hồi tuần trước, các thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Vũ khí Thông thường tranh luận liệu có nên cấm vũ khí tự vận hành không cần người điều khiển hay không. Tuy nhiên, họ vẫn bất đồng về một lệnh cấm và thông báo "đồng ý tiếp tục thảo luận".
Các cuộc đàm phán tương tự được tổ chức trong 8 năm qua, song áp lực tăng lên sau khi một máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ Kargu-2 gắn thuốc nổ tự động "săn lùng mục tiêu con người" mà không có lệnh của nhân viên điều khiển trong giao tranh tại Libya hồi tháng 3/2020.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, trong trận giao tranh năm ngoái, các binh sĩ phe Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đối lập trong quá trình rút lui đã bị UAV Kargu-2 của Chính phủ Quốc gia Lybia (GNA) "săn lùng" khi nó hoạt động ở chế độ tự động "hiệu quả cao", vốn không có sự can thiệp hay mệnh lệnh của người điều khiển.
"Những kẻ thua cuộc lớn nhất sẽ là các cường quốc quân sự, do loại vũ khí này rẻ đến khó tin", Tegmark cảnh báo. "Robot sát thủ nhỏ, rẻ và nhẹ như điện thoại thông minh, song cực kỳ linh hoạt và mạnh mẽ. Hợp pháp hóa loại vũ khí hủy diệt siêu mạnh này rõ ràng không mang lại lợi ích cho các quốc gia ra quyết định đó".
LHQ dự kiến triệu tập cuộc họp khác bàn về robot sát thủ và hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận liên quan. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền của Mỹ kêu gọi chấm dứt phát triển và sản xuất "robot giết người", đồng thời cho biết đang vận động "một lệnh cấm phủ đầu với việc phát triển, sản xuất và sử dụng vũ khí tự động hoàn toàn".
Nguyễn Tiến (Theo IFL Science)