Video đăng trên mạng xã hội Twitter ngày 24/11 cho thấy chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-80 của Nga ở bán đảo Crimea di chuyển qua một nhóm binh sĩ và để họ chạm tay vào nòng pháo như một cử chỉ chào nhau. Điểm đặc biệt là chiếc T-80 được lắp dàn giáp lồng quây kín phía trên tháp pháo.
Lớp giáp lồng đặc biệt này được ví như chiếc "mũ sắt" đối phó với máy bay không người lái (UAV) tự sát và các loại vũ khí khác tấn công vào nóc tháp pháo, điểm yếu nhất trên xe tăng.
Đây dường như là thử nghiệm mới của quân đội Nga dựa trên kinh nghiệm thu được từ xung đột giữa Armenia và Azerbaijan năm ngoái. Trong cuộc giao tranh tại Nagorno-Karabakh, quân đội Azerbaijan nhiều lần dùng UAV tự sát lao từ trên xuống nóc tháp pháo, gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng tăng thiết giáp của quân đội Armenia.
"Giáp lồng hoặc tấm chắn trên nóc tháp pháo của xe tăng Nga là cấu trúc đơn giản nhằm bảo vệ chúng trước đòn tấn công từ bên trên", biên tập viên Thomas Newdick của Drive cho biết. "Tuy nhiên, quân đội Nga dường như chưa tiêu chuẩn hóa thiết bị phòng thủ này. Họ có thể đang thử nghiệm hoặc trang bị ngẫu nhiên".
Một số chuyên gia nhận định giáp lồng trên nóc xe tăng Nga còn để đối phó đe dọa từ các loại tên lửa chống tăng dẫn đường tiên tiến có khả năng "đột nóc" xe tăng, như mẫu FGM-148 Javelin đang có trong biên chế quân đội Ukraine. Giáp lồng không thể ngăn hoàn toàn tên lửa Javelin, song có thể giảm xác suất diệt mục tiêu của vũ khí này.
Ngoài giáp lồng, quân đội Nga gần đây trang bị các loại giáp khác cho xe tăng, như những tấm kim loại quây quanh thân. Các lực lượng tham chiến tại Libya hay Syria cũng sử dụng các loại giáp tương tự để bảo vệ xe tăng khỏi đạn chống tăng. Ngoài ra, quân đội Nga còn treo nhiều túi cát nhỏ quanh diềm xích xe tăng, kết hợp với giáp lồng để tăng mức độ bảo vệ trước đạn chống tăng bay tới từ bên hông.
"So với các loại giáp lồng quanh xe, giáp phản ứng nổ và các hệ thống phòng thủ chủ động trước đây, giáp lồng trên tháp pháo xe tăng Nga là điểm mới lạ", bình luận viên quân sự Petri Makela nhận xét. "Chúng dường như được áp dụng riêng lẻ ở cấp đơn vị, thay vì được chế tạo theo mẫu chung. Chúng trông thô sơ nhưng có vẻ hiệu quả".
Tăng chủ lực T-80 sử dụng động cơ tuốc bin khí có khả năng hoạt động ở nhiệt độ rất thấp, nên được đặt biệt danh là "chiến binh mùa đông" của quân đội Nga. Liên Xô sản xuất khoảng 10.000 chiếc T-80 và biên chế mẫu tăng chủ lực này từ năm 1976.
Nga những năm qua hiện đại hóa hàng nghìn xe T-80 lên chuẩn T-80BVM để trang bị cho các đơn vị đóng quân tại Bắc Cực, với động cơ, giáp, hệ thống ngắm bắn và điều khiển hỏa lực mới.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)