"Phạt nguội xe máy nhưng quan trọng là chúng ta có đủ nhân lực để phạt không? Trường hợp một người hộ khẩu ngoài Bắc, công tác và làm việc trong Nam, và mượn xe máy biển số tỉnh khác để di chuyển, khi họ vi phạm giao thông thì phạt nguội kiểu gì? Hay trường hợp người vi phạm lấy khẩu trang che biển số hay che một số trên biển, thì làm sao để phạt nguội? Tóm lại, tôi cho rằng để thực hiện đề nghị này sẽ khá vất vả, mất nhiều tiền của và công sức".
Đó là nỗi băn khoăn của độc giả Linhpham xung quanh đề nghị phạt nguội người đi xe máy giống như người đi ôtô của Bộ Giao thông Vận tải. Xe máy hiện vẫn là phương thức đi lại chủ yếu của người dân, chiếm tới 80-90% số phương tiện lưu thông trên đường. Trong khi đó, xét về phương tiện liên quan tai nạn, môtô, xe máy chiếm 41%; xe tải, xe container, ôtô con, xe khách mỗi loại chiếm tỷ lệ từ trên 10 đến 18%.
Rõ ràng, vi phạm và tai nạn liên quan đến xe máy đang tăng cao ở mức báo động nên cần phải được xử lý kịp thời. Vấn đề là phạt nguội xe máy liệu có khả thi khi số lượng phương tiện này đang là quá lớn?
Tin tưởng vào giải pháp phạt nguội xe máy, bạn đọc Anhtuan phân tích: "Tôi cho rằng phạt nguội xe máy hoàn toàn khả thi. Phạt theo xe, mà xe thì đã được đăng ký, Bộ Công an chỉ cần đồng bộ dữ liệu xe đã đăng ký với VNeID, cập nhật CCCD mới sẽ ra chủ xe và gửi thông báo phạt về nơi ở một cách dễ dàng. Sau đó, nếu chủ xe không đóng tiền phạt thì sẽ bị lưu vết lên VNeID. Khi chủ xe đi thực hiện bất cứ công việc gì liên quan đến việc phải xuất trình thẻ CCCD thì tra cứu thông tin đều ra. Họ sẽ phải đi đóng phạt mới được giải quyết thủ tục hành chính. Vậy là xong.
Hiện nay, việc định danh biển số xe, xe chính chủ cũng đã có, mua bán chuyển nhượng biển số xe bị cấm, xe mua giấy tờ tay không rõ nguồn gốc không đăng ký giấy tờ được nên không có gì khó. Và cuối cùng là việc chủ xe cho ai mượn phương tiện là trách nhiệm của họ, bị phạt thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới.
Quan trọng là chúng ta có muốn làm hay không chứ việc quản lý và xử phạt rất đơn giản. Đề xuất này rất tốt và có thể ngăn chặn hành vi chạy ẩu, vượt đèn đỏ, lấn làn, đè vạch nhan nhản trên đường hiện nay".
Đồng quan điểm, độc giả Phongnyk nhấn mạnh: "Xe máy là phương tiện tham gia giao thông nhiều nhất và là nguy cơ số một của tai nạn giao thông (hơn gấp đôi phương tiện khác). Do đó, phạt nguội là phương pháp tốt nhất để hạn chế vi phạm. Chỉ cần phạt 15-20% số vụ vi phạm là chúng ta sẽ hạn chế ngay được vi phạm và tai nạn, tạo ra sự dè chừng cho người tham gia giao thông. Giờ ai cũng có mã số cá nhân đăng ký trên VNeID nên việc gửi giấy phạt nguội không có gì khó cả. Việc này cũng sẽ hạn chế xe không chính chủ vì chủ xe sẽ sợ bị phạt nếu không sang tên hoặc cho mượn xe".
Trong khi đó, gợi ý một giải pháp khác là trừ điểm giấy phép lái xe, bạn đọc IT_kid bình luận: "Phạt nguội xe máy là đề xuất không mới nhưng liệu cơ quan chức năng có làm xuể hay không thì còn phải tính toán kỹ. Thật ra, bây giờ ra đường, rất nhiều xe máy phạm luật, không lỗi lớn thì cũng lỗi nhỏ. Thậm chí, có nhiều lỗi phổ biến tới mức mà đa số người đi xe máy còn không biết như: không xi nhan khi chuyển làn; rẽ phải khi đèn đỏ; sang đường ngược chiều, dừng và đậu xe ngược chiều, bóp còi sau 22h ở khu dân cư, dừng đèn đỏ hoặc đi thẳng ở làn rẽ trái, rẽ phải, không có bảo hiểm xe máy bắt buộc...
Những lỗi trên, trừ những người đã có giấy phép lái xe hạng B trở lên thì rất hiếm người đi xe máy biết đó là lỗi vi phạm giao thông. Nguyên nhân đến từ nhiều lý do: việc sát hạch giấy phép lái xe hạng A còn khá dễ dàng, mức phạt chưa đủ sức răn đe, số lượng xe máy lưu thông quá lớn khiến việc phát hiện để xử phạt bị quá tải, luật chưa đủ chặt chẽ làm hạn chế khả năng xử phạt của lực lượng chức năng khiến một số đối tượng vi phạm nhưng luôn tỏ thái độ chống đối, thách thức, nhờn luật...
Theo tôi, chúng ta có thể quản lý theo phương pháp trừ điểm bằng lái. Nếu bị trừ hết điểm thì người điều khiển xe máy phải đi sát hạch lại từ đầu (nhưng phải sau ít nhất hai năm). Bên cạnh đó, có thể nâng mức phạt lên thật nặng để tăng tính răn đe. Ngoài ra, có thể hạn chế phương tiện cá nhân bằng cách hạ thuế mua xe nhưng tăng các phí, thuế lưu thông, sao cho dễ mua xe nhưng khó nuôi xe".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Nỗi sợ ra đường gặp 'hung thần' xe máy điện
- Chạy ngược chiều né tắc đường - 'không thể trông đợi vào ý thức người đi xe máy'
- Bất lực vì đám đông chạy xe ngược chiều quá đông và hung hãn
- Tôi khó chịu với cách lái xe của nhiều tài xế Việt
- 'Sống trong sợ hãi khi đối mặt đám đông đi xe máy ngược chiều'
- Định danh biển số để phạt nguội xe máy đi vào đường vành đai 2, 3