Theo dõi vụ việc hai học sinh lớp 6 đuối nước khi tắm biển ở Hải Tiến, Thanh Hóa, làm một người cũng có con nhỏ, tôi không khỏi xót xa cho các em. Nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt hoạt động bơi lội của trẻ em là điều không thể thiếu được trong cuộc sống tuổi thơ, nhất là vào những ngày thời tiết nóng bức. Tuy nhiên, song hành cùng với nhu cầu trên là những mối nguy hiểm, đe dọa rình rập sức khỏe và tính mạng trẻ nhỏ khi mà hiện nay việc phổ cập, giáo dục kỹ năng bơi lội an toàn cho trẻ em vẫn rất hạn chế.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng nguyên nhân chủ yếu là thiếu sự quản lý của gia đình, sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, để con em tự ý đi chơi ra các ao, hồ, sông tắm mà không có người lớn đi cùng, nhiều vùng ao, hồ, sông, biển nguy hiểm chưa có rào chắn, biển cấm...
Theo thống kê, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ chết đuối, trong khi chúng ta hoàn toàn có khả năng phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng này - những con số vô cùng nhức nhối. Nhiều địa phương tiến hành phổ cập bơi cho học sinh từ bậc tiểu học. Chuyện dạy bơi cho học sinh đã được đưa vào nhà trường từ gần 40 năm trước nhưng hiệu quả còn chưa thấy rõ. Thiếu không gian bể bơi, trang thiết bị học tập là những nguyên nhân khiến nhiều trường dạy bơi cho học sinh trên giấy, dạy cho có chứ chẳng đi đến đâu.
Thế nhưng, dạy bơi cho trẻ không phải là điều quan trọng nhất. Thực tế, không chỉ có trẻ chưa biết bơi dễ gặp tai nạn đuối nước. Trẻ biết bơi vẫn có thể tử vong do chơi đùa lâu bị kiệt sức, do trẻ thiếu kinh nghiệm ứng phó khi tiếp xúc vùng nước thay đổi nhiệt độ lạnh đột ngột, nước sâu, khu vực nguy hiểm bị sóng cuốn...
Tôi cho rằng nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng trẻ chết đuối liên tiếp là do sự bất cẩn và thờ ơ, chưa nhìn nhận đúng nguy cơ, sự nguy hiểm của người lớn. Mỗi khi tới bể bơi hoặc ra biển, tôi thấy nhiều trẻ em vô tư đùa giỡn dưới nước mà không hề có người lớn bên cạnh. Mà trẻ nhỏ hiếu động, ham vui, nô đùa nhau khó có thể làm chủ được hành vi. Và khi tai nạn xảy đến, các em hoàn toàn không có khả năng tự cứu mình.
Sau các vụ việc thương tâm, người ta thường dễ dàng đổ lỗi cho trẻ đã tự ý rủ nhau đi bơi hoặc do không may. Nhưng ít ai đề cập đến chuyện người lớn ở đâu lúc đó? Thực tế ở Việt Nam hiện nay, việc trẻ tự ý rủ nhau bơi lội, chơi đùa ở nơi có ao, hồ, sông, biển diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Và người lớn chính là những người thỏa hiệp với hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro đó.
>> 'Gia đình chủ động dạy bơi cho con, đừng đợi nhà trường'
Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ. Bên cạnh việc tăng cường giáo dục, truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em, tôi cho rằng chúng ta cần những biện pháp mạnh tay hơn, cần pháp luật vào cuộc. Cụ thể, chúng ta nên ban hành quy định "Cấm trẻ em tắm sông, biển khi không có người lớn". Phụ huynh các em sẽ phải chịu trách nhiệm, bị xử phạt nếu con em họ bị phát hiện tắm sông, biển một mình. Đó là biện pháp tức thì để người lớn có trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát và bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ đuối nước.
Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và nhà trường. Gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết tận gốc các mối nguy hiểm cho con, em mình khi tham gia các hoạt động trên đường thủy. Vấn đề này tưởng chừng đơn giản nhưng lại khá nan giải trong bối cảnh hiện nay. Nhiều gia đình vẫn quá chủ quan đến an toàn tính mạng cho trẻ nhỏ, giao phó hết trách nhiệm cho nhà trường và xã hội, để rồi khi tai nạn xảy ra, chỉ còn những giọt nước mắt ân hận ở lại.
Đuối nước là một tai nạn xảy ra bất ngờ. Trẻ có thể đuối nước dù lượng nước đủ ngập mặt trẻ vì trẻ té úp mặt và không thể tự đứng lên. Trẻ biết bơi là tốt nhưng bơi tốt vẫn có thể đuối nước. Vì vậy, đã đến lúc người lớn cần thôi chủ quan với an nguy của con em mình. Đừng để những cái chết thầm lặng, đau thương của trẻ liên tục xảy ra chỉ vì một phút lơ đãng của cha mẹ.
Lý Hải
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.