Xem đoạn video "CSGT Sài Gòn truy đuổi hơn 10 km nhóm 'quái xế' giữa đêm", tôi thấy nhóm thanh thiếu niên này quá manh động và coi thường pháp luật, không thể chấp nhận được. Thế nhưng, sau tất cả, những mức phạt được đưa ra vẫn chỉ loanh quanh ở việc phạt hành chính. Để rồi đâu lại vào đấy, kẻ bị phạt không hề thấy sợ hãi và chuyện đua xe lại xảy ra như cơm bữa.
Vậy chẳng lẽ chúng ta "bó tay" với các "quái xế" này hay sao? Tôi cho rằng, mấu chốt của vấn đề là sau khi phạtxong, chúng ta xử lý như thế nào để họ chùn bước, chứ theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa" như hiện nay sẽ chỉ đem lại tác dụng ngược.
Thời gian qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến tụ tập đua xe trái phép gây náo loạn xã hội đã được phát hiện. Thậm chí, từng có cả trăm "quái xế" tụ tập, chặn xe trên lối dẫn vào cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây rồi nẹt pô, so kè đua xe. Sự manh động và coi thường luật pháp ngày một tăng cấp theo thời gian, cho thấy sự thiếu nghiêm minh của pháp luật, manh nha dấu hiệu nhờn luật trong một bộ phận thanh thiếu niên.
Theo Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng là hành vi bị nghiêm cấm. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 34, Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền dao động từ 1-10 triệu đồng, có thể bị tịch thu phương tiện và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3-5 tháng. Mức phạt này vẫn còn quá nhẹ so với mức độ nghiêm trọng và những hậu quả khó lường của hành vi đua xe trái phép có thể gây ra.
Không những vậy, đa số các trường hợp thanh thiếu niên tụ tập đua xe bị bắt giữ, đều được gia đình hỗ trợ đóng phạt, bảo lãnh. Như trường hợp của bà mẹ ba lần đóng phạt cho con trai thích đua xe cách đây không lâu. Như vậy, bản thân các thanh niên này hoàn toàn không có chút nhận thức hay cảnh tỉnh nào, nhất là với những gia đình giàu có. Do đó, việc các em tái phạm nhiều lần là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Việc tụ tập, đua xe của những thanh niên này cho thấy việc quản lý con em của các bậc phụ huynh còn quá lỏng lẻo: chúng đi đâu, làm gì, tiền để độ xe, các cược đua xe... nhiều gia đình cũng chẳng biết cho đến khi thấy con họ bị bắt. Vậy nên mới có những lời biện minh theo kiểu "con tôi ở nhà ngoan lắm" như nhiều bậc cha mẹ phân bua khi có con đua xe.
>> Tôi ám ảnh khi bị nẹt pô 'dằn mặt' vì không chịu nhường đường
Đáng báo động hơn, ngày nay không chỉ có các nam thanh niên, một bộ phận không nhỏ các em nữ sinh cũng sẵn sàng ngồi sau các nam "quái xế" thể tham gia cuộc đua, hoặc thậm chí trực tiếp cầm lái. Tôi tự hỏi, phụ huynh của những em này có thường xuyên quan tâm, nhắc nhở hay dạy bảo con em mình không? Hay cứ đợi đến khi sự việc xảy ra rồi mới lại mang tiền đi nộp phạt thay con là xong?
Theo tôi, chúng ta rất cần thay đổi toàn diện về biện pháp, chế tài xử lý nạn đua xe trái phép hiện nay. Thậm chí, thay vì chỉ phạt hành chính, chúng ta có thể chuyển tội danh này sang Bộ luật Hình sự để xử lý ở mức cao hơn. Luật Hình sự có, sao chúng ta không sử dụng với những thành phần này?
Đã có nhiều tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên quan đến tổ chức đua xe trái phép, thậm chí liên quan tới cả tính mạng con người, do đó Luật pháp hoàn toàn có thể xem người đua xe là một dạng tội phạm cần phải xử lý hình sự, chứ không thể chỉ coi là tệ nạn xã hội, xử phạt hành chính là xong. Làm thế thì 100 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng bao giờ không dẹp được tận gốc nạn đua xe trái phép.
Bên cạnh đó, xe không độ thì không thể đua được, nên cũng cần phải xử lý ngay những "lò" độ xe. Tôi cho rằng, cứ xe nào bị làm thay đổi hình dáng, kết cấu, màu sắc... so với ban đầu là cần bị tịch thu ngay. Nặng hơn, chúng ta có thể phạt tù những người độ xe, các chủ "lò" độ xe trái phép. Khi đó, các nhóm "giặc lái" tự khắc sẽ hết đất sống, chùn chân mà phải từ bỏ.
>> Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.