Hết thiệp cưới in kèm mã QR bị phản đối rần rần, giờ lại rộ lên trào lưu cho con dán mã QR đi khắp nơi lãnh tiền lì xì Tết. Tôi tự hỏi chúng ta có đang thực dụng quá không? Mừng cưới ít nhất còn có thể coi là nợ phải trả, nhưng in mã QR trong thiệp mời cũng đã là sự 'kém duyên' trong tư duy rồi. Có điều dù sao nó còn tạm chấp nhận được vì đó là quan niệm phổ biến trong xã hội. Nhưng đến lì xì món tiền lẻ (theo đúng quan niệm) mà cũng 'ghi sổ' thì xem ra quan hệ xã hội của chúng ta đang xuống dốc. Yếu tố tình cảm ngày nay dường như đều đong đo bằng tiền.
Tôi từng xem clip về ba con của một ca sĩ nổi tiếng. Các cháu bé mặc áo dài đẹp, nhận lì xì bằng hai tay, rồi khoanh tay chúc Tết người lớn rất lễ phép dù đang sinh sống ở nước ngoài. Phong tục đẹp thì phải giữ được nó đẹp trọn vẹn như thế. Đẹp cả ở tác phong người trao, lẫn thái độ người nhận. Tiếc rằng tôi không may mắn gặp đứa trẻ nào như thế. Lịch sự lắm thì có đứa lí nhí 'cháu xin', còn không thì cứ im im hoặc giật phăng phong bao rồi chạy biến.
Giờ lại thêm mốt lì xì qua mã QR thế này, không biết trẻ con mai sau còn biết đến lễ nghĩa nữa không? Người lớn nên dạy trẻ nét đẹp của văn hóa truyền thống, cách ứng xử đúng mực, thay vì tìm cách nhận tiền sao cho nhanh, gọn, lẹ hay treo lên con 'tấm biển' QR chẳng khác nào vỗ vào mặt người đối diện: 'Lì xì con tôi đi'".
Đó là chia sẻ của độc giả Aisie xung quanh "mốt in mã QR để nhận lì xì". Những ngày qua, bức ảnh không nhận phong bao, lì xì, chỉ cần quẹt mã QR mừng tuổi được lan truyền trên các mạng xã hội. Lì xì bằng cách chuyển khoản ngân hàng qua mã QR đang là một xu hướng sẽ được nhiều người áp dụng Tết Giáp Thìn, với đa dạng các hình thức, từ dùng các loại kẹp tóc, móc khóa đến ốp lưng điện thoại, quần áo in mã QR, hay đơn giản là chia sẻ mã của mình lên trang cá nhân.
Không ủng hộ trào lưu in mã QR cho con nhận lì xì, bạn đọc Congthanhmdt nhấn mạnh: "Tôi nghĩ nét đẹp văn hóa của người Á Đông trong ngày đầu năm là gặp nhau thăm hỏi, chúc Tét, trao lời yêu thương và tặng lì xì cho trẻ em, mừng tuổi cho người lớn để tượng trương cho sự may mắn. Nguyên tắc lì xì là tiền mới, giá trị nhỏ, như vậy mới hoan hỉ. Chứ in cái mã QR chỉ để nhận tiền lì xì thì quá thực dụng, coi nặng giá trị đồng tiền".
>> 'Không lì xì sao coi được?'
Đánh giá việc lì xì bằng cách chuyển khoản ngân hàng qua mã QR làm mất đi giá trị truyền thống tốt đẹp của phong tục lì xì đầu năm, độc giả Hoanglochbc cho rằng: "Lì xì đầu năm là cơ hội để chúng ta gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau, là lời cầu chúc may mắn, khỏe mạnh, an vui... của người lớn dành cho trẻ nhỏ. Chứ lì xì từ xa qua mã QR vào tài khoản của bố mẹ, hóa ra thành đòi tiền nhau? Từ phong tục mang ý nghĩa tốt đẹp thành cục nợ, có nên không?".
"Con tôi học lớp 1, tôi mới mua cho con lợn tiết kiệm và bé rất thích. Từ tiền to tới, nhỏ con đều cho vào lợn. Tôi nói với con 'hãy biết quý trọng nó'. Vậy là ai cho tiền con cũng nhớ và bỏ vào lợn chứ không tiêu xài linh tinh. Tết cũng vậy, con rất háo hức được mừng tuổi, lì xì bằng tiền mặt để cho vào lợn. Con cũng chẳng để tâm mệnh giá tiền lớn hay nhỏ. Con vui vẻ nhận lì xì, đó mới là ý nghĩa của ngày Tết", bạn đọc Nguyen Duan GD nói thêm.
Đồng quan điểm, độc giả Minh Ngọc Lê kết lại: "Thời buổi kinh tế ngày nay khó khăn mà nhiều người còn bày ra đủ thứ lạ đời? Không có tiền lì xì thì chỉ cần một lời chúc năm mới cũng là giá trị tinh thần rồi. Sao nhất thiết cứ phải là tiền mới được? Ngày xưa ông cha ta không có các hủ tục này nhưng đại đa số họ người ta sống rất nhân văn, đạo đức và ấm áp tình người. Còn ngày nay đụng cái gì cũng nói tới tiền, ngẫm mà buồn".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.