Tôi có nguyên tắc không lì xì đại trà, vì người xưa quan niệm thành gia lập thất thì mới được đi phát lì xì, theo kiểu phát cái lợi, cái lộc từ gia đình mình cho người thân quen khác. Còn văn hóa lì xì của người Việt ngày nay đã bị biến tướng đi rất nhiều. Bây giờ, người ta lì xì nhau theo kiểu khoe tiền đầu năm, đua đòi nhiều hơn là văn hóa chia lộc, phát lộc như khởi thủy.
Tôi chẳng cổ xúy phong trào làm sai phong tục, chạy theo trào lưu. Cái bản chất phải giữ, còn cố tình làm sai lệch thì phải thải hồi, phải cự tuyệt dứt khoát. Tôi vẫn giữ phong thái người xưa, cha mẹ lì xì con cháu với ý nghĩa cầu mong con cháu an khang, thịnh vượng, tài lộc đến từ gia đình.
Với tôi, ai lập gia đình mới được phát lì xì, ai chưa thì chỉ nhận lì xì từ người cao tuổi hoặc người đã lập gia đình. Bởi lập gia đình, có con cái mới là có lộc, có phúc khí, thì mới chia sẻ điều đó qua bao lì xì Tết cho mọi người. Còn không thì lộc đâu mà đòi phát?
>> 'Lì xì hơn 50.000 đồng biến mình thành chủ nợ'
Tiếc rằng, giới trẻ bây giờ không hiểu, đã bẻ gẫy ý nghĩa của tập quán lì xì, biến nó trở thành thước đo danh vọng, giàu sang, mang tính phô trương, đua đòi thể hiện, hơn là ý nghĩa phát lộc đầu năm.
Nhưng cũng vì thái độ dứt khoát nói không với lì xì biến tướng mà tôi bị nhiều bạn chê cười. Họ nói tôi: "Anh không lì xì sao coi được?". Tất nhiên, tôi chẳng quan tâm đến những lời đàm tiếu đó, vì bản thân không muốn cổ xúy văn hóa lì xì sai cả về văn hóa lẫn phong tục truyền thống.
Nói như vậy để thấy, hiện nay Tết cổ truyền Việt Nam cũng nhiều phong tục đẹp đã và đang bị thương mại hóa. Người ta mượn Tết để khoe khoang và nói thẳng là dịp để lên mặt với đời, để chứng tỏ sự giàu sang, phú quý và đẳng cấp của một bộ phận người Việt. Tiếc rằng phần lớn xã hội dù thấy sai nhưng vẫn chạy theo thứ văn hóa biến tướng, lệch lạc đó, thay vì kiên quyết đấu tranh, bài trừ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.