Đọc bài viết "'Bóc phốt' công ty cũ" và liên hệ với câu chuyện ở Việt Nam, tôi thấy có một thực tế là văn hóa sa thải ở ta gây rất nhiều "tổn thương" cho người lao động. Chuyện bị cho nghỉ việc thường om sòm và bất lợi nhiều hơn cho người lao động vì những đơn vị tuyển dụng sau sẽ dè chừng những ứng viên "rắc rối" như vậy.
Khi một nhân viên nào đó bị cho nghỉ việc, một công ty lớn sẽ được bảo vệ hơn một cá nhân. Trừ khi những sai phạm của công ty đó là cực kỳ lớn, gây hại cho khách hàng, cho người tiêu dùng (ví như bạn khui ra việc họ trốn thuế, dối trá, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng hay có phát ngôn xem thường khách hàng).
Trong khi đó, người Á Đông lại có xu hướng cố né tránh xung đột, chấp nhận bằng mặt nhưng không bằng lòng. Tư tưởng của chúng ta quá lậm vào việc phải nghe theo lời một ai đó: bé thì phải vâng lời thầy cô, ông bà cha mẹ, người lớn tuổi; ra xã hội thì sợ sếp, lãnh đạo... Chúng ta luôn mặc định họ đúng, áp chế gì cũng phải nghe theo. Nếu họ chưa đúng thì ta cũng phải nhịn cho lành.
Nhịn mãi rồi lẫn lộn hết các giá trị đúng sai, chúng ta xem việc đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân là ích kỷ, đáng xấu hổ, là gàn, là dại, lấy trứng chọi đá... Cuối cùng, chúng ta tự đánh mất tiếng nói của chính mình. Tại sao chúng ta lại nhìn một người chính trực, dám đấu tranh là rắc rối? Có thể họ phiền toái nhưng nếu họ đúng, quy trình của công ty có vấn đề, bắt nạt người lao động, hành xử vô lý, vô tình, thì cũng nên sửa đổi để tồn tại bền vững mới phải.
Môi trường làm việc văn minh là ai cũng được tôn trọng, không ai bị bắt nạt. Sa thải cũng phải đúng quy trình, với những lý do chính đáng đã có trong thỏa ước lao động, trong hợp đồng, trong quy chế điều lệ công ty. Vì người lao động ở ta yếu thế nên lúc nào cũng phải "nhẫn" và chấp nhận.
Thứ nữa là hiểu biết về luật của phần đông người lao động Việt còn thấp, không hiểu được hết quyền lợi của mình, không dám đấu tranh về mặt pháp lý với doanh nghiệp, nên đành buông xuôi, tự an ủi, tự chữa lành, nghĩ rằng mình rời đi trong im lặng là văn minh, chuyên nghiệp. Sa thải một người ở môi trường chuyên nghiệp sẽ rất minh bạch, rõ ràng, khiến người lao động tâm phục, khẩu phục. Về cảm xúc, đương nhiên ai bị sa thải cũng sẽ thấy ít nhiều khó chịu, nhưng về lý, mọi lý do công ty đưa ra phải thuyết phục và có căn cứ.
>> Tôi bị doanh nghiệp ép nghỉ việc dù cống hiến suốt 5 năm
Ở các tập đoàn lớn đa quốc gia, người ta còn có vị trí chuyên viên sa thải. Thứ mà chúng ta thường làm một cách vô tình, cạn tàu ráo máng thì họ làm rất thận trọng (không kém gì quy trình tuyển dụng) để:
Thứ nhất, hạn chế thiệt hại đến mức tối thiểu (về danh tiếng, về tiền bạc) cho công ty khi tiến hành sa thải người lao động. Sao cho đền bù hợp đồng ở mức thấp nhất.
Thứ hai, vì lý do nhân đạo, chống gây sốc cho người bị sa thải, để họ bình tĩnh tiếp nhận thông tin đó.
Nếu cứ nhìn người lao động ở vị trí thấp cổ bé họng, công ty đuổi là phải dọn đồ đi ngay, không được kêu ca gì thì còn xa mới đạt được hai chữ "chuyên nghiệp". Ở nước ngoài, họ có ràng buộc hợp đồng lao động rất chặt chẽ, công ty đuổi việc người lao động "ngang xương", không chứng minh được lý do hợp lý sẽ phải bồi thường rất nhiều. Như trường hợp ChatGPT sa thải Sam Altman khiến công ty này phải lao đao. Hay đơn giản như các HLV bóng đá, Mourinho đã nhận tổng cộng hơn 100 triệu USD tiền bồi thường hợp đồng khi bị các CLB sa thải trước thời hạn.
Chúng ta thường thích nhân viên cừu non, dễ bảo. Phẩm chất chính trực, lý tính, tuân thủ luật pháp ở ta lại không được đề cao bằng lối hành xử cảm tính, xuề xòa, dĩ hòa vi quý. Thế nên những vụ kiện sa thải sai quy trình ở ta đều chủ yếu xuất phát từ những người lao động ngoại quốc. Đây có lẽ là điều cần sớm được thay đổi để môi trường việc làm tại Việt Nam ngày càng văn minh, chuyên nghiệp.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.