Mỗi năm, thế giới mất khoảng 1.000 tỷ USD vì tham nhũng, theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Một trong những cơ chế được xem là công cụ mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng ở các nước là thu hồi tài sản do hành vi phạm tội mà có.
Thu hồi tài sản, quá trình xử lý tận gốc tiền bạc, của cải trong các vụ án tham nhũng, là biện pháp được ghi nhận tại Chương V Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng năm 2003 (UNCAC). Khi được xử lý hiệu quả, tài sản tham nhũng được thu hồi có thể tạo nguồn quỹ phát triển cần thiết, khắc phục những sai phạm do tham nhũng và xây dựng lại lòng tin của xã hội.
Tại Trung Quốc, Ủy ban Giám sát Quốc gia là cơ quan phụ trách các công việc liên quan tới thu hồi tài sản tham nhũng. Ba hình thức thu hồi tài sản tham nhũng ở Trung Quốc gồm: tự nguyện hoàn trả, thủ tục tịch thu đặc biệt và hợp tác tương trợ tư pháp quốc tế.
Về hình thức tự nguyện hoàn trả, Điều 383 Bộ Luật Hình sự Trung Quốc quy định "trước khi bị khởi tố, bất kỳ ai phạm tội tham nhũng nếu thành khẩn khai nhận và chủ động trả lại tài sản bất minh sẽ được giảm nhẹ hoặc miễn hình phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ án".
Trong khi đó, Điều 31 Luật Giám sát nêu rõ trong trường hợp người bị điều tra vì nghi ngờ liên quan tới án tham nhũng tự thừa nhận tội lỗi và chấp nhận hình phạt, cơ quan giám sát có thể cân nhắc các hình thức khoan hồng.
Xiao Jianming, cựu chủ tịch tập đoàn khai mỏ Yunna Tin thuộc sở hữu nhà nước, nằm trong danh sách "100 đối tượng bị truy nã gắt gao nhất" Trung Quốc khi trốn sang Mỹ vào cuối năm 2012. Xiao từng tuyên bố sẽ lẩn trốn ở nước ngoài tới chết.
Trung Quốc sau đó áp dụng biện pháp "răn đe tư pháp" để thuyết phục Xiao về nước. Theo đó, công ty Yuntinic Resources thuộc tập đoàn Yunna Tin hồi tháng 4/2019 đã đệ đơn kiện ông Xiao lên tòa án bang California, Mỹ, cáo buộc ông này chuyển ngân quỹ của công ty cho con gái. Đơn kiện cho rằng con gái ông Xiao đã nhận hơn 202.000 USD tiền lương và phụ cấp trong giai đoạn 2002-2006, dù không làm việc cho công ty.
Khi tương lai con gái ở Mỹ bị đe dọa, Xiao vài tháng sau đồng ý trở về Trung Quốc và nộp mình cho cơ quan chức năng, đồng thời tự nguyện hoàn trả số tài sản bất hợp pháp trị giá khoảng 250 triệu nhân dân tệ (37 triệu USD). Vài ngày trước khi Xiao về nước, luật sư của công ty Yuntinic Resources nộp đơn bãi nại.
Tháng 3/2012, Trung Quốc sửa đổi luật tố tụng hình sự, bổ sung thêm các thủ tục tịch thu tài sản đặc biệt trong trường hợp nghi phạm hoặc bị cáo bỏ trốn hay qua đời. Trong trường hợp đó, viện kiểm soát có quyền đưa đơn ra tòa án để xử lý tài sản của người này.
Li Huabo, một cựu quan chức Trung Quốc cũng nằm trong danh sách "100 đối tượng truy nã gắt gao nhất", từng trốn sang Singapore và tìm cách chuyển số tiền tham nhũng tới quốc gia này. Một tòa án Trung Quốc đã ra phán quyết tịch thu tài sản bất hợp pháp của Huabo ở trong nước và Singapore với tổng giá trị lên tới 29 triệu nhân dân tệ (4,3 triệu USD).
Các lệnh tịch thu do tòa án Trung Quốc ban hành đã được Singapore chấp thuận và thực thi. Số tài sản bất chính đã được trao trả cho Trung Quốc sau đó.
Một hình thức thu hồi tài sản tham nhũng khác là thông qua biện pháp tương trợ tư pháp với các nước. Tháng 10/2018, Luật hỗ trợ tư pháp hình sự quốc tế của Trung Quốc được ban hành, quy định cụ thể việc xử lý các yêu cầu tương trợ tư pháp (MLA), cũng như tịch thu và trả lại tài sản bất hợp pháp. Luật đã thúc đẩy hợp tác MLA giữa Trung Quốc và các quốc gia khác để thu hồi tài sản bị đánh cắp.
UNCAC mà Trung Quốc phê chuẩn năm 2005 đã cung cấp cơ sở pháp lý quốc tế và mở ra con đường mới để Bắc Kinh tiến hành hợp tác thu hồi tài sản với các quốc gia khác.
Tham quan Trung Quốc Yan Yongming từng bỏ trốn tới New Zealand, mang theo số tiền bất chính kiếm được. Dựa vào UNCAC, Trung Quốc đã phối hợp cùng New Zealand đệ đơn kiện đối với Yan Yongming và thu hồi số tài sản của người này.
Yan Yongming cuối cùng trở về Trung Quốc nộp mình. Tổng cộng 329 triệu nhân dân tệ (48 triệu USD) của Yongming đã bị tịch thu và trao trả cho Bắc Kinh.
Luật hình sự của Trung Quốc quy định cá nhân có thể bị kết án tù chung thân, bị tịch thu tài sản hoặc nộp tiền phạt nếu phạm tội đưa hối lộ. Trong khi đó, quan chức nhận hối lộ có thể bị phạt tù, tử hình, tịch thu tài sản tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ án.
Tại Mỹ, cuộc chiến chống tham nhũng được giới lãnh đạo nước này coi là ưu tiên chính sách hàng đầu. Năm 2010, Bộ Tư pháp Mỹ đã khởi động Sáng kiến Thu hồi Tài sản Kleptocracy, tăng số lượng nhân viên chuyên trách chống tham nhũng. Cơ quan Điều tra của Bộ An ninh Nội địa (HSI) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) cũng tăng cường nhân viên chuyên trách các vụ án tham nhũng.
Mỹ có hai hình thức thu hồi tài sản, gồm thông qua kết án hình sự và thu hồi không thông qua kết án.
Thu hồi tài sản thông qua kết án hình sự là biện pháp phổ biến nhất, trong đó vụ án được tiến hành theo trình tự thủ tục tố tụng đối với người có hành vi tham nhũng. Khi tuyên án, tòa có thể ra lệnh tịch thu tài sản của người phạm tội.
Biện pháp này vừa trừng trị được người thực hiện hành vi tham nhũng, vừa răn đe những người có khả năng phạm tội. Tuy nhiên, việc tuyên án và ra lệnh tịch thu tài sản sẽ không khả thi nếu người phạm tội bỏ trốn hoặc đã qua đời.
Do đó, biện pháp thu hồi tài sản không qua hình thức kết tội được Mỹ áp dụng, chủ yếu nhắm vào tài sản tham nhũng, chứ không yêu cầu kết án đối tượng liên quan.
Hình thức này yêu cầu phải có bằng chứng cho thấy những tài sản bị tịch thu có liên quan tới hình thức vi phạm, và rất hiệu quả trong các trường hợp đối tượng không thể bị kết án hình sự do chạy trốn hoặc đã chết.
Chính phủ Mỹ có thể xử lý hoặc hoàn trả các tài sản bị tịch thu theo hai cách tùy theo từng vụ án. Cách đầu tiên là "chia sẻ" tài sản tịch thu với một chính phủ nước ngoài tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào cuộc điều tra. Thứ hai, Tổng chưởng lý Mỹ có thẩm quyền chuyển số tiền bị tịch thu cho các nạn nhân của hành vi phạm tội.
Tại Mỹ, theo án hình sự, các công ty vi phạm quy định chống tham nhũng có thể bị phạt tiền hơn 2 triệu USD, còn số tiền phạt với cá nhân là hơn 250.000 USD. Số tiền phạt này sẽ tăng gấp đôi nếu được nộp không đúng thời gian quy định. Cá nhân cũng có thể bị phạt tù tới 5 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ án.
Đối với các vụ án dân sự, điều khoản chống tham nhũng của Mỹ quy định có thể áp dụng hình phạt không quá 10.000 USD cho mỗi hành vi vi phạm. Bất kỳ thực thể nào vi phạm các điều khoản chống tham nhũng cũng có thể bị cấm tham gia hợp đồng với chính phủ Mỹ. Thậm chí chỉ một bản cáo trạng tại tòa cũng có thể khiến một công ty không đủ điều kiện để ký hợp đồng cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho chính phủ Mỹ.
Thanh Tâm (Theo WEF, Law Reviews)