Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis là một trong những lãnh đạo đầu tiên hứng chịu sóng gió sau khi Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố Hồ sơ Pandora, liên quan đến các tài sản ở nước ngoài của hơn 330 chính trị gia và quan chức từ gần 100 nước trên thế giới.
Theo Hồ sơ Pandora, Babis hồi năm 2009 được cho là đã mua một lâu đài trị giá 22 triệu USD gần thành phố Cannes, Pháp, cùng một rạp chiếu phim và hai bể bơi thông qua các công ty bình phong.
Đây là những công ty offshore (công ty ngoại biên, đăng ký và hoạt động ở nước ngoài), chuyên hỗ trợ các cá nhân và tập đoàn giàu có mở công ty ma, quỹ tín thác và thực thể tài chính khác ở những vùng lãnh thổ đánh thuế thấp hoặc miễn thuế, hay còn gọi là "thiên đường thuế". Hình thức này giúp chủ tài sản giấu danh tính thực và né tránh sự giám sát của cơ quan chức năng, cũng như không phải nộp khoản thuế lớn cho nước sở tại.
Babis không liệt kê các công ty bình phong và lâu đài ở Pháp trong bản kê khai tài sản mà ông có nghĩa vụ phải nộp với tư cách một công chức. Tuy nhiên, Thủ tướng Czech khẳng định không làm bất cứ điều gì "phi pháp hay sai trái", cho biết khoản tiền được gửi từ một ngân hàng Czech và đã bị đánh thuế vào thời điểm đó.
Dù vậy, các tài liệu được công khai ngay lúc Babis đang chạy đua tái tranh cử, làm dấy lên phản ứng dữ dội trong chính trường Cộng hòa Czech và làm hoen ố hình ảnh của ông. Các đảng đối lập coi những phát hiện trong Hồ sơ Pandora là bằng chứng cho "sự giả tạo và dễ mua chuộc" của Thủ tướng Babis, một người theo chủ nghĩa dân túy.
"Đây là vấn đề lớn đối với Babis, khi ông ấy từng nhiều lần mô tả bản thân là một chiến binh chống lại hoạt động kinh doanh thiếu minh bạch ở nước ngoài", Milos Brunclik, nhà phân tích chính trị tại Đại học Charles của Czech, cho biết.
Ivan Bartos, chủ tịch đảng Pirate đối lập, hôm 3/10 cáo buộc những thông tin về Babis trong Hồ sơ Pandora "cho thấy dấu hiệu tham nhũng đến tột cùng". Trong khi đó, chủ tịch đảng Dân chủ Công dân cánh hữu Petr Fiala gọi đây là "bê bối quốc tế khổng lồ", "một vấn đề lớn mà Thủ tướng sẽ phải giải thích".
Babis không phải là lãnh đạo duy nhất xuất hiện trong Hồ sơ Pandora. Những người như ông gây chú ý bởi từng vươn lên trên chính trường nhờ cam kết chống tham nhũng, thúc đẩy minh bạch, nhưng cuối cùng lại bị cho là có liên quan đến những công ty ma và "thiên đường thuế", theo bình luận viên Ishaan Tharoor của Washington Post.
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cũng rơi vào tình huống tương tự. Cách đây không lâu, ông từng tuyên bố "tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản trị tốt là những nền tảng của phát triển bền vững", trong nỗ lực đẩy lùi nạn tham nhũng trong nước.
Tuy nhiên, trong Hồ sơ Pandora, ICIJ cáo buộc Kenyatta và gia đình ông "nhiều thập kỷ qua đã che giấu tài sản khỏi tầm giám sát của công chúng thông qua các tổ chức và công ty ở những thiên đường thuế, bao gồm Panama, với khối tài sản trị giá hơn 30 triệu USD".
Những hành vi "né thuế" như vậy, dù hợp pháp hay không, được cho là gây tổn hại nhiều nhất đối với các nước đang phát triển. "Thiên đường thuế khiến các chính phủ khắp thế giới thất thoát khoảng 427 tỷ USD mỗi năm", Amitabh Behar, giám đốc điều hành tại Ấn Độ của liên minh từ thiện quốc tế Oxfam, cho biết.
"Các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Những tập đoàn và cá nhân giàu có lợi dụng thiên đường thuế nổi bật lên hẳn so với những người không làm như vậy. Các thiên đường thuế còn giúp tình trạng tội phạm và tham nhũng lộng hành", Behar nói thêm.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng từng phát động một phong trào toàn diện chống lại nạn hối lộ ăn sâu bén rễ lâu nay tại đất nước. Giờ đây, Hồ sơ Pandora lại phơi bày các giao dịch của những bộ trưởng nổi bật trong nội các của ông, những nhà tài trợ cho đảng của Khan, cùng thành viên gia đình một số tướng lĩnh trong quân đội thân cận với Thủ tướng Pakistan.
Khan cam kết sẽ hành động để giải quyết vấn đề, nhưng cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế xử lý tình trạng trốn thuế toàn cầu, với mức độ nhiệt tình tương tự chống biến đổi khí hậu. Đây dường như là phép so sánh ngầm, khi nỗ lực chống biến đổi khí hậu quốc tế bị đánh giá là phức tạp và rệu rã.
Chính quyền Mỹ đang thúc đẩy cơ chế đánh thuế doanh nghiệp toàn cầu chặt chẽ hơn. Tổng thống Joe Biden và nhiều chính trị gia khác cũng cáo buộc những doanh nhân giàu có đang chuyển tiền mặt sang các thiên đường thuế ở nước ngoài. Tuy nhiên, các tài liệu bị rò rỉ cho thấy những nước như Mỹ và Anh vẫn là địa điểm hàng đầu giúp giới siêu giàu che giấu hàng tỷ USD.
Trong khi đó, nhiều chính trị gia liên quan đến Hồ sơ Pandora khẳng định họ không làm gì sai, trong đó có Thủ tướng Lebanon Najib Mikati, vốn là ông trùm kinh doanh giàu có. Theo các tài liệu, một công ty tại Monaco của Mikati đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hessville Investment, công ty offshore ở Panama cũng thuộc sở hữu của ông. Năm 2008, Hessville Investment đã mua bất động sản ở Monaco với giá hơn 10 triệu USD.
Mikati giải thích Hessville Investment và tất cả chi nhánh đã duy trì sự tách biệt giữa các hoạt động công khai và riêng tư, thường xuyên tham vấn kiểm toán viên, nói thêm rằng Hội đồng Hiến pháp Lebanon đã nắm được số tài sản của ông.
"Đáng tiếc thay, logic ngầm đằng sau Hồ sơ Pandora là đưa hầu hết, nếu không muốn nói là toàn bộ, những cá nhân và công ty được đề cập vào diện bị tình nghi, chỉ dựa vào thông tin liệt kê trong đó. Điều này đi ngược lại các hoạt động kinh doanh và quản trị trên thị trường tự do, trong các nền kinh tế tự do, những nguyên tắc mà gia đình Mikaki bảo vệ", tuyên bố của Thủ tướng Lebanon có đoạn.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)