Vừa rồi tôi đọc thông tin thấy cơ quan chức năng có ra quy định, từ năm 2022, người dân bắt buộc phải phân loại rác trước khi đem đi đổ. Cũng vừa hay là tôi có chuyến công tác dài ngày ở Hàn Quốc, nên hôm nay muốn kể cho mọi người nghe câu chuyện ở xứ kim chi người ta phân loại rác như thế nào.
Khi nhắc đến Hàn Quốc, đa phần chúng ta sẽ nghĩ đến những cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ, tươi đẹp, hoặc khung cảnh của những con đường phủ tuyết trắng xóa mỗi khi đông về.
Tất nhiên khi đặt chân đến Hàn Quốc, tôi cũng cực kỳ bị thu hút bởi những cảnh sắc đẹp đẽ như vậy. Sống ở đây một thời gian, có hai điều làm tôi đặc biệt ấn tượng nhất, đó là hệ thống giao thông công cộng (bao gồm xe buýt và tàu điện ngầm) và hệ thống thu gom, xử lý rác thải.
Có thể hôm khác tôi sẽ kể về hệ thống giao thông công cộng ở Hàn, còn hôm nay, tôi muốn nói về câu chuyện thu gom và xử lý rác thải.
Đầu tiên là việc chi trả phí thu gom rác. Chỗ công ty sắp xếp cho tôi ở là một căn hộ chung cư, mọi chi phí nhà ở, điện nước, internet đều do công ty chi trả. Vì vậy lúc mới đến, tôi nghĩ chắc ở đây họ cũng thu tiền rác hàng tháng như ở Việt Nam và hẳn là công ty trả rồi nên tôi không phải chi thêm gì cả, tôi muốn đổ rác thì chỉ việc ra siêu thị tìm mua túi rác là được.
Nhưng không, sau khi tìm đỏ mắt không thấy túi rác ở siêu thị, tôi mới hỏi một đồng nghiệp bên đây, thì được biết rằng, ở Hàn Quốc, rác phải được bỏ vào túi riêng, trên túi có ghi rõ là "túi đựng rác" chứ không phải dùng túi nylon nào cũng được.
Ở đây, mỗi thành phố sẽ có một kiểu túi rác riêng (tên thành phố sẽ được in trên túi), bạn phải ra cửa hàng tiện lợi, trực tiếp hỏi người thu ngân thì họ mới bán cho bạn.
Ngoài ra, siêu thị ở đây sẽ không cho bạn túi nylon để đựng hàng hóa như ở Việt Nam. Bạn phải đem túi theo để đựng, hoặc bạn yêu cầu nhân viên thu ngân cung cấp túi nylon cho bạn. Họ sẽ tính tiền những chiếc túi nylon này.
>> Người Việt không phân loại rác thải nên chỉ xử lý chôn lấp'
Sau khi đựng đồ ở siêu thị, bạn có thể sử dụng túi này như túi để đựng rác, trên thân túi cũng sẽ có ghi chú "túi này có thể được sử dụng như túi đựng rác sau khi đựng sản phẩm ở siêu thị". Bạn không thể dùng túi rác của thành phố này và bỏ ở thành phố khác, hoặc không thể dùng túi nylon bình thường để bỏ rác.
Nếu phát hiện túi rác không đúng quy định, xe thu gom rác sẽ không gom rác của bạn, và họ có thể kiểm tra camera để xem ai là người đã bỏ những túi rác sai quy định đó. Mức phạt theo tôi biết có thể từ 500.000 đến 1 triệu won (10 triệu đến 20 triệu đồng). Một mức phạt cực kỳ cao.
Nhiều người đọc đến đây sẽ thắc mắc: Tại sao lại phải rắc rối đến như vậy, túi nào cũng là túi, tại sao phải dùng đúng túi rác mới được.
Lý do là chính phủ Hàn Quốc sẽ thu tiền rác dựa trên lượng rác mà mỗi cá nhân thải ra.
Túi rác có nhiều kích cỡ, túi càng lớn thì tiền càng cao. Đây chính là phí thu gom rác mà công dân phải chi trả. Rác nhiều thì túi rác phải lớn, túi càng lớn thì trả tiền càng nhiều. Ngoài chi phí mua túi rác ra, người dân không phải trả thêm bất kỳ phí thu gom rác thải nào khác.
Chuyện thứ hai là phân loại rác. Người dân Hàn Quốc rất tự hào về câu chuyện phân loại rác của họ. Rác thải được chia làm nhiều loại: rác phân hủy (thức ăn thừa, rác hữu cơ, chất thải phân hủy), túi nylon, lon, chai nhựa, hộp giấy. Mỗi loại sẽ có một khu vực riêng.
Thức ăn thừa phải được bỏ trong túi chuyên dụng, hoặc tùy nơi, sẽ có thùng rác chuyên để chứa thức ăn thừa. Như chỗ tôi ở, mỗi căn hộ sẽ có một chiếc thẻ từ, dùng để đổ thức ăn thừa. Ở những thùng rác chuyên đựng thức ăn thừa sẽ có một đầu đọc thẻ, mỗi khi đổ rác, bạn phải quẹt thẻ, nắp thùng rác sẽ tự động mở lên và bạn phải đổ thức ăn thừa vào đó (chỉ đổ thức ăn, không được bỏ cả bao nylon đựng thức ăn vào), thùng rác lúc đó sẽ cân và báo cho bạn biết bạn vừa bỏ đi bao nhiêu kg thức ăn.
Đây là một hình thức khuyến khích người dân tiết kiệm thực phẩm, chỉ sử dụng lượng thực phẩm vừa đủ, để tránh lãng phí đồ ăn. Lượng rác thực phẩm này sẽ được thu gom để chế biến thành phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, đối với rác thải là hộp giấy, nếu hộp giấy có kích cỡ quá lớn (như hộp đựng tivi, máy giặt...), bạn phải đến cửa hàng tiện lợi để mua một chiếc tem để dán vào đó rồi mới đem ra bãi rác bỏ, đây gọi là phí xử lý rác quá khổ.
>> Bỏ rác đúng quy định không giúp ngăn chặn đại họa từ đồ nhựa
Ở khu tập kết rác đều có gắn nhiều camera, cho nên nếu ai đó cảm thấy những điều trên là quá rắc rối và muốn lách luật, thì không sớm thì muộn họ cũng sẽ bị truy ra và bắt phạt.
Phí phạt thì tùy vào số lần vi phạm và lỗi vi phạm, tôi chưa tìm hiểu cụ thể là bao nhiêu cho từng loại lỗi, nhưng tôi có thể đảm bảo một điều rằng mức phí phạt nếu bạn vi phạm sẽ rất rất cao.
Trên đây là những điều theo tôi thấy là rất thú vị và rất đáng học hỏi về cách Hàn Quốc phân loại và xử lý rác thải. Có thể đối với nhiều người, rác là rác, không cần phải phức tạp hóa vấn đề như vậy.
Nhưng thực tế, việc phân loại rác từ nguồn sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí xử lý rác thải về sau, đồng thời sẽ giúp bảo vệ môi trường, vì có thể dễ dàng tái chế rác, cũng như hạn chế việc chôn lấp, tiêu hủy rác thải.
Tôi hy vọng, một lúc nào đó, Việt Nam cũng có thể xây dựng được một hệ thống xử lý rác thải thân thiện với môi trường như vậy.
KID1412
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.