Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 26/11 liệt Omicron, biến chủng được ghi nhận lần đầu tại khu vực phía nam châu Phi, vào danh sách biến chủng "đáng lo ngại", nhiều người đã tỏ ra lo sợ về nguy cơ một làn sóng Covid-19 mới trỗi dậy.
Tuy nhiên, cả WHO và nhiều chuyên gia dịch tễ thế giới nhấn mạnh hiện chưa có bức tranh hoàn chỉnh về mức độ đe dọa thực sự của biến chủng này. Thế giới vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về Omicron, như mức độ lây truyền hay khả năng né tránh miễn dịch do vaccine tạo ra của nó.
Không giống như phản ứng ban đầu khi virus bùng phát ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, Omicron không bị thế giới đánh giá thấp. Giới chức Nam Phi đã lập tức chia sẻ các dữ liệu họ có về những ca nhiễm đầu tiên để các quốc gia có thể vạch ra chiến lược ứng phó kịp thời.
Biện pháp ứng phó đầu tiên mà nhiều nước đang áp dụng là thông qua hàng loạt biện pháp hạn chế như một cách để "câu giờ" trước khi các nhà khoa học hiểu rõ hơn về biến chủng Omicron. Một số nước thậm chí còn hành động trước khi WHO đưa ra khuyến cáo về biến chủng này.
Anh ngày 25/11 công bố lệnh cấm đi lại tạm thời với một số quốc gia, trong đó có Nam Phi. Đồng thời, chính phủ nước này cũng yêu cầu xét nghiệm tất cả người đến Anh, cách ly tất cả những người từng tiếp xúc với ca nghi nhiễm Omicron và tái áp đặt quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại một số nơi công cộng.
Chính phủ Israel hôm 25/11 liệt Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini vào danh sách đỏ, chỉ khu vực có nguy cơ Covid-19 cao. Người Israel bị cấm tới các quốc gia trong danh sách đỏ và ngược lại. Nước này cũng tăng cường kiểm dịch và xét nghiệm PCR ở biên giới.
Hàng chục quốc gia từ châu Mỹ, châu Âu đến châu Á cũng có những động thái tương tự. Nhật Bản hôm nay tuyên bố cấm toàn bộ khách nước ngoài nhập cảnh, trong khi Australia cũng quyết định hoãn mở cửa biên giới do lo ngại biến chủng Omicron.
Bình luận viên Therese Raphael của Bloomberg cho rằng những biện pháp này sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn Omicron xuất hiện và lây lan, bởi một số nước như Anh đã ghi nhận ca nhiễm dù áp hạn chế đi lại từ sớm.
Các lệnh siết chặt kiểm soát biên giới cũng khiến Nam Phi và một số nước láng giềng phản ứng quyết liệt. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 28/11 kêu gọi các nước lập tức bỏ lệnh cấm đi lại "bất hợp lý".
Tuy nhiên, Raphael cho rằng những biện pháp này không phải là cách "trừng phạt" các quốc gia ở phía nam châu Phi, mà là chiến thuật để giúp các nước có thêm thời gian nghiên cứu về chủng mới và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, tiêm tăng cường trước khi virus có nguy cơ lây lan.
Những biến chủng như Omicron trỗi dậy là kịch bản đã được giới khoa học lường trước. Với tỷ lệ tiêm chủng hơn 10% ở châu Phi và 28% ở Nam Phi, Raphael cho rằng không ngạc nhiên khi nó xuất hiện và lây lan nhanh ở đây.
"Càng trì hoãn tiêm chủng cho toàn bộ dân số, chúng ta sẽ càng nhanh chóng hết bảng chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho các biến chủng mới. Cách duy nhất để ngăn ngừa điều đó là tiêm vaccine nhanh hơn cho nhiều người hơn", bình luận viên này nhận định.
Phân tích của các nhà khoa học Nam Phi cho thấy Omicron có tới 50 đột biến, trong đó 32 đột biến trên protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người.
Lawrence Young, nhà virus học tại Trường Y Warwick ở Anh, cho rằng đây là phiên bản virus đột biến nhiều nhất từ trước tới nay, khiến giới khoa học lo ngại về khả năng tránh né miễn dịch của nó.
Tuy nhiên, giáo sư Salim Abdool Karim, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu châu Phi, hôm nay tuyên bố vẫn còn quá sớm để khẳng định Omicron gây triệu chứng lâm sàng nặng hơn so với các biến chủng khác. Ông cũng cho hay các loại vaccine hiện nay nhiều khả năng vẫn hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng khi mắc biến chủng Omicron.
Các loại vaccine Covid-19 hiện nay cũng đã cho thấy hiệu quả giảm nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là nguy cơ bệnh nặng và tử vong, ngay cả với biến chủng nguy hiểm như Delta. Do đó, tăng độ phủ vaccine trong dân số vẫn được xem là chìa khóa trong cuộc chiến với đại dịch.
Một số nước thậm chí đã lên kế hoạch tăng tốc tiêm mũi tăng cường, do lo ngại virus có thể vượt qua hàng rào bảo vệ của vaccine.
"Bất kỳ một vết nứt nào trên hệ thống miễn dịch đều có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc nCoV", James Gallagher, biên tập viên mảng y tế của BBC, cho hay. "Liều tăng cường sẽ giúp hạn chế những tác động. Về lý thuyết, bạn có thể bù đắp khả năng miễn dịch bằng cách tăng thêm kháng thể và tế bào T cho cơ thể, ngay cả khi chúng không hoàn hảo".
Hơn 17 triệu người Anh đã tiêm liều thứ ba, nhưng chính phủ Anh muốn tăng tốc hơn nữa. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid yêu cầu các cố vấn nhanh chóng xem xét mở rộng phạm vi tiêm tăng cường, cũng như giảm thời gian giữa liều thứ hai và liều tăng cường.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng tập trung vào chiến dịch tiêm tăng cường như vũ khí chính giúp Mỹ đối phó với biến chủng mới, ngay cả khi chưa rõ mối đe dọa thực sự của nó.
"Điều mà chúng tôi biết chắc chắn rằng tiêm tăng cường sẽ giúp những người tiêm chủng tăng mức độ kháng thể trung hòa gấp nhiều lần so với mức sau hai liều đầu tiên", Anthony S. Fauci, trưởng nhóm cố vấn y tế của Tổng thống Biden, nói.
Fauci tin rằng các mũi tiêm tăng cường có thể phần nào cung cấp lá chắn bảo vệ chắc chắn hơn trước biến chủng mới.
Các công ty vaccine cũng đang gấp rút đánh giá mức độ nguy hiểm và tác động của Omicron trong cuộc chạy đua phát triển các cách chống biến chủng mới.
"Chúng tôi đang theo đuổi nó", Dan Barouch, nhà miễn dịch học tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston, Mỹ, người đã giúp phát triển vaccine Johnson & Johnson, nói.
Barouch đang nghiên cứu để xác định liệu tác nhân của hệ miễn dịch, gọi là tế bào T, được tạo ra bởi các loại vaccine hiện tại có thể chống lại biến chủng Omicron hay không hoặc cần phải phát triển một vaccine mới.
Các nhà sản xuất vaccine khác cũng đang chờ dữ liệu từ phòng thí nghiệm để xem những loại vaccine hiện tại có tạo ra đủ kháng thể trung hòa chống lại biến thể mới hay không. Nếu mức độ kháng thể vẫn cao, chúng vẫn có thể tiếp tục được sử dụng để đối phó với Omicron. Dữ liệu từ phòng thí nghiệm và từ tác động thực tế của biến chủng Omicron dự kiến được công bố vào giữa tháng 12.
Ngoài tiêm chủng, bình luận viên Raphael cho rằng nhân loại vẫn có thể tiếp tục trông cậy vào các vũ khí "không bao giờ cũ" để chống lại nCoV cùng các biến chủng của nó, đó là đeo khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên và duy trì giãn cách.
"Phản ứng minh bạch của Nam Phi và những biện pháp ứng phó từ sớm của các nước cho thấy chúng ta ít nhất đã học được bài học đầu tiên trong quản lý đại dịch, rằng khoanh tay ngồi chờ không phải là một chiến lược đúng đắn", Raphael nhấn mạnh.
Thanh Tâm (Theo Bloomberg, BBC, Washington Post, WSJ)